Có những sự cố có thể khắc phục tạm thời để đi đến gara gần nhất, cũng có sự cố bất khả kháng phải cần đến cứu hộ hoặc sự trợ giúp từ bên ngoài. Dù tự xử lý được hay không thì những sự cố được chia sẻ sau đây sẽ cho bạn kinh nghiệm, ít ra là sự bình tĩnh khi nó xảy đến.
1. Xẹp lốp hoặc nổ lốp
Khoảnh khắc đáng nhớ
Trong một chuyến đi từ Đắk Lắk trở về thành phố trên một chiếc xe Matiz đời 2004, bản thân người viết cùng hai người bạn trên xe đã trải qua một tình huống khá nguy hiểm. Do bất cẩn, lái xe không kịp tránh một ổ gà sâu khiến lốp trước bên phải bị nổ, chiếc xe chao đảo và hầu như mất kiểm soát trong tích tắc trước khi được định hướng lao vào lề phải và may mắn đã kiểm soát được tình hình.
Sự cố xảy ra quá nhanh khiến mọi người khi rời xe vẫn chưa hết bàng hoàng, và phải mất một khoảng thời gian thay bánh xe và tĩnh tâm trước khi tiếp tục hành trình.
Lái xe hãy tập thay lốp để biết cách xử lý khi cần
Giải pháp
Bánh sơ cua đã được các hãng xe hơi nghĩ ra chỉ ít lâu khi xe hơi xuất hiện, nó được xem như vật bảo đảm tương đối cần thiết cho người lái xe đi đến nơi về đến chốn. Công nghệ phát triển cho ra những chiếc lốp xe ngày càng bền, và cũng chính từ đây thói quen kiểm tra áp suất lốp và độ mòn lốp xe thường bị các chủ xe thờ ơ vì trong đầu luôn nghĩ đã bền lại còn có bánh sơ cua nữa thì lo gì nhỉ? Chính vì thế mà có những tai nạn thương tâm khi nổ lốp, người lái hoảng hốt đạp mạnh phanh làm cho việc kiểm soát chiếc xe thêm tồi tệ hơn.
Nếu chẳng may xe bạn chỉ bị xẹp lốp và mất áp xuất từ từ khi cảm nhận tay lái bị nặng, xe ì và có tiếng kêu phạch phạch phát ra thì bạn khá may mắn. Đây là cơ hội để lốp xe của bạn được kiểm tra tình trạng, xem có còn đủ an toàn để sử dụng hay không, mặc dù bạn sẽ phải tốn thời gian tự thay bánh sơ cua hay đi xe tới một điểm vá lốp.
Trường hợp xe bạn bị nổ lốp đột ngột khi đang lưu thông, nhất là lốp trước thì đây là một vấn đề lớn. Ở hoàn cảnh này, hãy cố gắng ghìm tay lái định hướng cho xe, nhả từ từ chân ga rồi từ từ đưa xe vào lề an toàn, bật đèn ưu tiên, tuyệt đối không đạp phanh gấp khiến tình trạng tồi tệ hơn vì mất kiểm soát xe. Bạn chỉ có thể đạp phanh từ từ khi mọi thứ đã được kiểm soát.
Khi tiến hành thay bánh sơ cua cũng phải tuân thủ rút chìa khóa khỏi xe và cho vào túi, kéo phanh tay, cài số 1 khi xe đang trên đường dốc lên và cài số lùi nếu xe đang đậu dốc xuống, kết hợp chèn bánh xe để phòng khi phanh tay bị hỏng, và luôn bật đèn ưu tiên trong mọi trường hợp.
2. Mất phanh
Khoảnh khắc đáng nhớ
Trong một lần chạy chiếc Kia CD5 xuống hết đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) được một đoạn thì anh Tuấn (trú tại Q. Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) phát hiện hệ thống phanh có vấn đề, chân phanh có cảm giác rất nhẹ như bị thụt và phanh không còn ăn như lúc trên đèo, chân phanh nhẹ nên anh lập tức ghìm xe bằng việc trả số và kéo phanh tay.
Đến khi dừng hẳn được xe thì mới nhẹ cả người, hú hồn vì sự cố không xảy ra trên đèo. Kiểm tra toàn bộ thì anh phát hiện thấy ống dẫn dầu phanh ra bánh sau bên phải bị thủng, khu vực này lại hiếm điểm sửa xe nên thật nan giải.
Va chạm với vật cản là giải pháp khẩn cấp cuối cùng khi xe bị mất phanh
Giải pháp
Mất phanh là sự cố nguy hiểm vào loại hàng đầu, dễ tạo sự hoảng loạn cho người lái và kết cục là cơ hội giảm thiểu tai nạn rất thấp. Cảm giác đạp phanh sâu mà không có tác dụng do đường ống bị mất dầu, hay đạp phanh nhưng cứng đơ do ống dầu bị tắc nghẽn hoặc cũng có thể xe bị bó cứng phanh,... Tạm bỏ qua nguyên nhân mất phanh, chúng ta hãy tập trung vào vấn đề xử lý khi rơi vào trường hợp này.
Bình tĩnh là yếu tố quan trọng nhất, song song đó hãy cứ nhấp đạp phanh liên tục để tìm cơ may hệ thống được phục hồi, sử dụng phanh tay nhịp nhàng và vận hành kỹ thuật giảm tốc độ bằng cách dồn số để ghì xe lại. Tuyệt đối không được tắt động cơ xe, điều này sẽ khiến hệ thống trợ lực không hoạt động, làm việc điều khiển xe thêm khó khăn.
Tình huống xấu nhất mà bạn sẽ phải chọn là cho xe va chạm với một vật cản, và hãy giữ đủ bình tĩnh để lựa chọn vật cản mềm như bụi cây, vũng bùn, hoặc nếu có va chạm với vật cứng như con lươn, vách đá, phải cố gắng để xe có góc tiếp xúc nhỏ, tránh va trực diện.
Trở lại trường hợp của anh Tuấn và đây có lẽ là một trong những trường hợp may mắn nhất mà Autocar Vietnam ghi nhận được khi xe mất phanh. Anh quyết định thực hiện theo cách mà các tài xế có kinh nghiệm thường làm là dùng kìm bóp bẹp đầu ống bị hở để không cho dầu thoát ra làm giảm áp suất, tức là lúc này, cơ chế tác dụng phanh chỉ có hiệu lực trên 3 bánh còn lại, và anh đã tiếp tục hành trình đến gara gần nhất khắc phục lại hệ thống phanh.
Với những trường hợp đường ống dẫn dầu phanh bị thủng ở phần ống kim loại, lái xe có thể dùng dây cao su buộc thật chặt nhiều vòng cũng có thể tạm khắc phục.
3. Phải phanh khẩn cấp
Khoảnh khắc đáng nhớ
Vào lúc 11h đêm, chiếc xe Nissan Altima 1993 của anh S đang đi qua khu dân cư mới ở ngoại ô TP Hồ Chí Minh với tốc độ chừng 50km/h, bất ngờ có xe máy lao qua trước mặt ở ngay góc ngã ba khiến anh vừa phanh vừa đánh lái để tránh.
Chiếc xe mất lái lao thẳng qua hè và chỉ chịu dừng lại khi một bánh trước đã hổng xuống con mương gần đó, hậu quả làm vỡ nát cản trước, móp cửa phụ và bể kính trước, cong trụ A do va vào cây trên lề, cũng may không có thương vong và hư hại động cơ. Anh phải hạ tất cả các kính xuống và tiếp tục chạy về nhà trong điều kiện không có kính chắn gió trước.
Với xe có ABS, khi cần phanh gấp, hãy đạp thật mạnh và giữ chân phanh rồi đánh lái tránh chướng ngại vật
Giải pháp
Trong những tình huống phải phanh khẩn cấp, người lái luôn đặt chân đúng vị trí và hai tay luôn đặt trên vô-lăng ở vị trí thuận tiện thì hiệu quả phanh sẽ cao hơn. Vị trí đặt bàn chân phải đối diện bàn phanh, luôn lấy trụ là gót chân sẽ cho hiệu quả phanh mạnh nhất và không bao giờ phạm vào lỗi đạp nhầm châm ga. Cần tránh thói quen nhấc chân qua lại giữa phanh và ga làm giảm nhịp, thậm chí đạp bị trượt dẫn đến chậm trễ trong việc thoát rủi ro.
Trường hợp xe có hệ thống ABS thì cứ đạp mạnh phanh và giữ chắc chân phanh, đồng thời kết hợp đánh lái nếu cần phải tránh chướng ngại vật, mặc cho ABS tự xử lý nhấp nhả chống bó cứng. Với những xe không có hệ thống này, lái xe phải phải nhấp nhả liên tục, tránh cho xe bị bó phanh và trượt mất lái, nhưng người lái cần có kinh nghiệm để làm việc đó.
Những xe có hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp BA cũng nên cẩn thận trong từng trường hợp. Nếu không cần thiết phanh gấp nhưng hệ thống nhận thấy khoảng thời gian rời chân ga và đạp phanh trong giới hạn quá nhanh, mặc nhiên hệ thống này sẽ hoạt động bất kể đạp nhẹ hay mạnh làm cho xe dừng khẩn cấp, dẫn tới xe sau có thể phanh không kịp.
Trong tất cả mọi trường hợp, tuyệt đối không được cắt côn khi đạp phanh, nhất là trong điều kiện xe đang chạy tốc độ cao, bởi điều đó có thể làm xe trôi tự do theo quán tính nhanh hơn.
4. Bỗng dưng chân côn bị xìu
Khoảnh khắc đáng nhớ
Một thành viên của diễn đàn Otosaigon khi chạy chiếc Ford Everest lúc trời đã nhá nhem tối bên Phú Mỹ Hưng, Q.7, gần giao lộ Nguyễn Lương Bằng và Nguyễn Văn Linh thì bỗng dưng chân côn xìu xuống, xe không thể cắt côn và thay đổi số theo ý được, lại dễ tắt máy khi giảm tốc. Ngay lập tức, người lái cho xe từ từ chạy tấp vào lề đường và cũng nhanh trí bật đèn cảnh báo ưu tiên. Thời gian tối muộn nên khó có thể tìm kiếm được thợ hoặc gara ở khu vực đó, anh đã nghĩ tới việc gọi xe cứu hộ.
Giải pháp
Cái bệnh hỏng cupen ambraya như cái duyên, có người đi hết xe này đến xe khác nhưng chưa bao giờ “dính”, nhưng cũng có người bị vài lần trong cuộc đời chạy xe. Chắc chắn khi bị lần đầu, các chủ xe sẽ rất lúng túng và không biết xử trí ra sao.
Người lái chiếc Everest trên đã quá may mắn khi có một người đi đường giàu kinh nghiệm trong tình huống này hướng dẫn anh quay trở vào xe, trả phanh tay, đặt vị trí cần số ở số 3, đề máy và hơi đạp chút ga để chiếc xe khỏi bị chồm lên, duy trì đèn ưu tiên và chạy tốc độ chậm, cứ thế, chiếc xe cũng về đến nơi sửa chữa. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ có thể thực hiện trên những con đường tương đối thưa xe và ít người.
5. Vỡ kính xe
Khoảnh khắc đáng nhớ
Một thành viên diễn đàn Otofun đang chạy xe với tốc độ cao trên đường Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Thanh Hóa thì bỗng… “rầm”, một hòn đá to hơn nắm đấm, nặng khoảng gần 1kg từ trên đỉnh núi rơi xuống xuyên thủng kính lái. Rất may, người lái vẫn giữ được bình tĩnh và kìm vô-lăng cho dù bị giật mình, còn hòn đá sau khi làm vỡ kính lái đã rơi vào giữa hàng ghế trước nên không có thương vong về người.
Hãy cẩn thận khi đi phía sau các loại xe tải chở vật liệu xây dựng
Giải pháp
Kính lái xe hiếm khi bị vỡ ngoại trừ có va chạm mạnh từ phía trước hay bị đá văng trúng. Nhưng nếu có lỡ bị vỡ, bạn cũng nên biết cách tạm khắc phục để chạy đến nơi có thể thay thế. Nếu chỉ là đường rạn nứt kiểu chân chim thì bạn có thể cố định bằng vài lớp băng keo trong bản lớn. Nếu kính đã bị vỡ vụn rồi thì chỉ còn cách sống chung với gió, khi đó, điều đầu tiên là chạy với tốc độ chậm, bật đèn ưu tiên và nhớ hạ nốt những cửa kính còn lại để tránh cho gió đi lòng vòng ù ù trong xe.
Nếu như những kính cửa sổ hoặc kính hậu bị vỡ thì bạn cũng nên tạm quên điều hòa mà sống chung với gió thiên nhiên, vì nếu dùng báo hoặc bìa che tạm thì có thể sẽ làm giảm đáng kể tầm quan sát phía sau.
Nhân đây, người viết cũng xin khuyến cáo các chủ xe nên trang bị búa thoát hiểm nhỏ gọn dành cho ôtô để đề phòng những trường hợp khôn lường khi cần thoát ra khỏi xe. Vật dụng này rất nhỏ gọn, không chiếm chỗ nên cần bố trí ở những chỗ dễ dàng lấy nhất cho cả 4 vị trí trên xe.
6. Xe mất đèn pha
Khoảnh khắc đáng nhớ
Anh Cường (trú tại quận 3, TP Hồ Chí Minh) trong lần đi công tác ở Bà Rịa – Vũng Tàu với chiếc Toyota Corolla 1996 đã rơi vào một tình huống rất khó xử. Xe đang di chuyển trong đêm thì đèn pha phụt tắt, nơi xảy ra sự cố lại ở nơi hoang vắng, lại xa nhà nên không có gara để sửa chữa.
Luôn kiểm tra cầu chì trước tiên khi có sự cố về điện, và đây là ký hiệu cầu chì đèn pha
Giải pháp
Phần lớn xe bỗng dưng bị tắt đèn chiếu sáng phía trước đều do cầu chì bị đứt hoặc bóng đèn tới lúc bị hỏng, nhưng cũng rất hiếm khi cả hai bóng cùng hỏng một lúc. Đầu tiên kiểm tra các bóng đèn bằng việc quan sát trực quan. Nếu các bóng còn tốt thì bước tiếp theo là kiểm tra hộp cầu chì. Nếu biết chút ít về điện, bạn có thể quan sát sơ đồ bố trí cầu chì trên nắp hoặc dưới nắp hộp có ghi ký hiệu rõ ràng. Nếu có cái nào bị đứt thì lấy cầu chì dự phòng có chỉ số tương đương để thay thế.
Nếu như tất cả cầu chì đều tốt mà đèn lái vẫn không sáng thì có hai nguyên nhân, một là dây điện bị đứt, hai là cần điều khiển công tắc đa chức năng bị hư hỏng mạch tiếp xúc (rất ít khi xảy ra), trường hợp này cần thợ điện xe ôtô xử lý.
Sau khi đã kiểm tra kỹ càng, anh Cường nhận thấy hệ thống đèn xe của mình bị hỏng mạch của cần điều khiển. Rất nhanh, anh lấy đoạn dây điện và đấu nối trực tiếp nguồn từ bình ắc-quy với đèn chiếu sáng phía trước để chạy tiếp trước khi tìm nơi sửa chữa.
7. Ắc-quy hết điện, không khởi động được máy
Khoảnh khắc đáng nhớ
Anh Hùng (ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TP Hồ Chí Minh) mới mua một bình ắc-quy mới gắn cho xe hơi của mình, nhưng chỉ một thời gian ngắn xuất hiện tình trạng để xe chỉ khoảng 3 - 4 ngày không đi thì hết sạch năng lượng, không khởi động được xe. Thợ sửa xe phán rằng ắc-quy không lưu được điện, anh liền mang ắc-quy đi kiểm tra thì nhà cung cấp cho biết là ắc-quy vẫn bình thường. Anh rất bối rối, rồi lại nghi ngờ máy phát điện không hoạt động. Rồi một ngày đi công tác, sự cố này lại lặp lại.
Khi ắc quy hết điện, dây câu sẽ phát huy tác dụng nếu có xe khác hỗ trợ
Giải pháp
Sự cố bỗng dưng hết điện ắc-quy chẳng có gì là ghê gớm, nhưng nó lại gây phiền hà và khó chịu vô cùng vì khiến bạn tốn thời gian. Nếu bạn đang chuẩn bị kế hoạch di chuyển mà rơi vào hoàn cảnh này thì thật ức chế.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho bộ phận lưu trữ và cung cấp điện cho chiếc xe khởi động bị hết điện (ngoại trừ tình trạng bình ắc-quy bị hỏng do đã dùng quá lâu). Nguyên nhân đầu tiên có thể nghĩ tới là máy phát điện (dynamo) có vấn đề dù trước đó vài lần bạn khởi động xe tốt.
Nguyên nhân tiếp theo có thể là xe bạn đã gắn thêm đèn và hệ thống âm thanh, nên khi đang chạy bình thường thì không sao do ắc-quy được nạp liên tục, nhưng khi xe không nổ máy trong khi các hệ thống đó vẫn được bật thì năng lượng sẽ bị hao hụt, dẫn đến đề yếu hoặc không nổ được máy.
Một nguyên nhân nữa cũng khiến ắc-quy bị hết điện là xe bị chạm mát. Việc xác định thiết bị hay điểm nào gây chạm mát để xử lý là điều không dễ dàng và đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm chuyên môn. Bằng cách tháo cọc âm (-) của bình ắc-quy trước khi đỗ xe dài ngày không sử dụng, bình ắc-quy không bị mất điện, nhưng lại phiền phức mỗi khi lên đường.
Nhưng anh Hùng đã gặp may khi được một chiếc taxi đỗ gần đó hỗ trợ. Anh lấy trong cốp ra bộ dây câu bình mà anh mua dự phòng theo lời khuyên của một người bạn lái xe lâu năm, kẹp hai đầu cực tương ứng của hai bình ắc-quy trên hai xe (xe của anh và xe taxi). Sau đó anh bước vào xe rồi vặn chìa khóa. Động cơ lại “bừng tỉnh” như chưa có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, anh đã gác lại công việc để đưa xe đến gara gần nhà và phát hiện ra rằng xe của anh bị chạm mát. Công việc lúc này thuộc về người thợ.
Một trường hợp may mắn là với những xe số sàn, ắc quy vẫn còn một chút năng lượng và xe đang đỗ ở trên dốc xuống thì có thể lợi dụng dốc để khởi động máy. Cài số rồi đạp côn cho xe trôi tự do, rồi khi xe đã có đà thì nhả côn. Nếu ắc quy đã hết sạch năng lượng, hoặc xe số tự động thì nhất thiết phải có ứng cứu từ bên ngoài.
8. Khói bốc ra từ gầm xe
Khoảnh khắc đáng nhớ
Anh Vương chạy chiếc Honda Accord 1993 từ Sài Gòn đi tỉnh Bình Phước, lúc gần tới nơi cho xe táp vào bên vệ đường nhưng không tắt máy và ra ngoài xe “làm nhẹ cơ thể”. Khi “sự sung sướng” chưa kịp trọn vẹn thì anh tá hỏa thấy khói bốc lên từ gầm xe, chạy nhanh lại cúi xuống quan sát thì phát hiện bọc bao xốp bám vào cổ ống xả đang dúm dó cháy và chảy thành từng giọt rơi xuống bãi cỏ tươi.
Dừng xe trên rơm rạ khô lúc đang nổ máy có thể dẫn tới nguy cơ thiệt hại nặng (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Giải pháp
Thực tế trong những năm qua cho thấy sự cố cháy dưới gầm xe xảy ra không nhiều. Tuy nhiên, một số trường hợp không may mắn đã gây thiệt hại rất lớn cho chủ xe (thường là dẫn đến cháy toàn bộ xe), thậm chí gây thương vong cho con người, mà nguyên nhân ban đầu được xác định là do rơm rạ phơi trên đường quấn vào gầm xe tại vị trí cổ ống xả và bị cháy.
Trở lại trường hợp của chiếc Accord trên, anh Vương nhanh chóng bẻ cành điều gần đó khua lia lịa mới dập được cái bao xốp đang cháy dở. Trong trường hợp này, anh đã quá may mắn vì đậu xe trên bãi cỏ tươi và ngọn lửa chưa bùng phát, nếu là cỏ khô thì không biết hậu quả sẽ như thế nào? Nguyên nhân được xác định là cổ ống xả bị lủng lỗ kèm theo không tắt động cơ nên sinh ra nguồn nhiệt gây cháy.
9. Xe rung bất thường
Khoảnh khắc đáng nhớ
Trong một chuyến đi chơi ở Yên Bái cuối năm 2012, chiếc Kia Pride CD5 đời 2001 của anh Quý Lâm ở Đông Anh – Hà Nội bỗng dưng bị rung bất thường, thậm chí có lúc chết máy. Khi khởi động, động cơ vẫn nổ ngay, nhưng rất rung kể cả ở chế độ không tải và chạy rất yếu, mặc dù trước đó xe vẫn êm, khỏe và đã leo qua rất nhiều con dốc gắt và dài.
Chuột có thể là thủ phạm gây ra nhiều sự cố về điện
Giải pháp
Một chiếc xe đang hoạt động bình thường khó có thể có những triệu chứng rung lắc bất thường, ngoại trừ trường hợp vừa có hư hại trước đó như lốp xe bị biến dạng, phình cục bộ hoặc cán phải đá nhỏ sắc cạnh rồi bám dính nhô cao hơn bề mặt lốp, khiến cho xe rung theo nhịp, sập mạnh xuống ổ gà ảnh hưởng đến hệ thống lái và dàn gầm, la-zăng xe va đập mạnh nên bị méo, đổ phải xăng kém chất lượng khiến cho động cơ hoạt động cà giật.
Bốn lốp xe không đều, quá mòn hoặc quá căng do áp suất cao, bản thân ghế lái không vững và chắc chắn, cao su chân máy và cao su treo ống xả bị vỡ,… Với những trường hợp này, xe rung lắc khi chạy, nhưng máy vẫn khỏe và êm, đặc biệt là không có biểu hiện gì khi chạy không tải.
Tuy nhiên, xe bị rung lắc còn do các nguyên nhân phức tạp hơn như hệ thống đánh lửa và nạp nhiên liệu hoạt động không tốt hoặc tiếp xúc kém (do chuột cắn đứt dây của béc phun hoặc mobin, hoặc do dây cao áp của bộ chia điện hở khiến điện phóng ra ngoài mà không đánh vào bu-gi), ly hợp mòn nên khi đề pa xe bị giật.
Anh Quý Lâm nhận thấy rằng xe của mình không có gì bất thường về lốp hay cơ cấu điều khiển, lại rung ngay cả khi chạy không tải, nên yếu tố nhiên liệu và điện đã được “khoanh vùng”. Nhiên liệu tiếp tục được loại bỏ, bởi xăng đã được đổ từ vài ngày trước đó và chạy bình thường. Các đường dây vẫn không có gì bất thường. Anh quyết định rút một đầu bu-gi ra và khởi động lại, xe có vẻ rất khó nổ và rung mạnh hơn.
Cắm lại đầu bu-gi và rút đầu thứ hai, biểu hiện vẫn như lần thử thứ nhất. Đến lần thứ ba thì xe vẫn dễ nổ, nhưng rung như lúc ban đầu trước khi làm phép thử. Anh lấy chiếc bu-gi dự phòng thay vào vị trí thử thứ ba này, và như có phép màu, chiếc xe lại êm ru như chưa có chuyện gì xảy ra.
Sự cố mà anh Lâm gặp phải được ghi nhận trong khá nhiều trường hợp, đặc biệt đối với những dòng xe đã nhiều năm sử dụng mà không được chăm sóc và thay thế bu-gi. Nhiều lái xe thậm chí chỉ quyết định thay bu-gi khi bị hỏng. Khi một trong số các bu-gi bị chết, sẽ gây hiện tượng bỏ máy, và nếu bỏ máy thì động cơ bị yếu là điều tất yếu. Trong trường hợp đó, nếu người lái giữ ga ở mức cao xe vẫn chuyển động được, nhưng nhả ga thì có thể chết máy.
10. Xuất hiện mùi xăng hoặc mùi khét trong xe
Khoảnh khắc đáng nhớ
Anh S ở Cầu Giấy – Hà Nội phát hiện thấy có mùi xăng sống trong khoang của chiếc xe Kia Carnival sau mấy phút khởi hành. Anh dừng xe để kiểm tra, không thấy rò rỉ ở đường ống cung cấp nhiên liệu bên trong khoang động cơ, nắp bình xăng cũng không bị hở. Làm sao đây?
Mùi xăng sống có thể bay qua hệ thống điều hòa để vào khoang xe
Giải pháp
Rất may mắn là xe đang ở vị trí gần nhà, nên anh đã kịp thời đưa xe vào xưởng gần đó. Chỉ sau vài phút kiểm tra, kỹ thuật viên phát hiện ra rằng đầu gioăng tại đầu ống dẫn nhiên liệu giáp bơm xăng bị lỏng và ngay tại đầu ống dẫn bị ẩm. Nắp đậy trên sàn sau của xe tại vị trí đặt bơm xăng cũng không được kín khiến cho hơi xăng bay vào khoang xe sau mấy phút nổ máy. Vặn chặt lại đầu gioăng, ca-bin xe lại trong lành.
Đứng bên ngoài thì quá dễ để nhận biết được mùi xăng hoặc mùi khét bất thường của xe, nhưng khi ngồi trong xe với điều hòa và cửa đóng kín thì lại càng khó biết hoặc nếu biết thì cũng phải đợi có thời gian để mùi lọt vào bên trong xe. Nhưng trên tinh thần cảnh giác cao thì khi phát hiện bất cứ mùi xăng hoặc khét nào, bạn phải lập tức dừng xe và kiểm tra lại mọi thứ.
Mùi khét thì có nhiều nguyên nhân như quên nhả phanh tay, cháy các công tắc chỉnh điện do thay cầu chì bảo vệ có chỉ số cao hơn tiêu chuẩn khiến chúng mất tác dụng bảo vệ hệ thống điện, bọc xốp nhựa bám vào một trong những vị trí của ống xả, cháy bố ambraya, dây cu-roa bị trùng gây trượt và rít khét.
Còn mùi xăng thì có thể thoát ra từ cổ ống xả do xăng đốt không hết (nhưng trường hợp này hãn hữu do mùi khó chui được vào ca-bin khi xe đang chạy), do thủng bình xăng lớn hoặc bị rò rỉ trong hệ thống dẫn nhiên liệu trong khoang động cơ khiến mùi xăng chui qua hệ thống điều hòa vào bên trong, mùi xăng dễ xảy ra hơn với xe chạy bằng chế hòa khí.
Nếu xe bạn có mùi hơi hôi thì cũng nên kiểm tra ngay để xem đã có loại thực phẩm nào để quên trên xe không, cũng có thể hệ thống tạo hơi trên xe của bạn không kín và dầu máy bị hút xuống buồng đốt có thể sản sinh khí sunfua mùi khó chịu, dấu hiệu này cũng cho bạn biết nên mang xe đến chỗ uy tín để kiểm tra ngay hệ thống hơi của xe.
11. Đổ nhầm nhiên liệu
Khoảnh khắc đáng nhớ
Một lần khi đổ nhiên liệu cho chiếc Santa Fe tại cây xăng trên đường Láng, Hà Nội, chị H đã nhắc là bơm dầu diesel, nhưng nhân viên tại cây xăng lại bơm nhầm xăng A95. Đáng tiếc là trong quá trình xử lý sự cố nhầm lẫn đó, ngọn lửa từ đâu bùng phát từ vết xăng tràn ra rãnh thoát nước gần đó và nhanh chóng lan đến thiêu rụi chiếc xe.
Hãy nhắc nhân viên tại cây xăng về loại nhiên liệu chiếc xe của bạn sử dụng (ảnh blogs.sacbee.com)
Giải pháp
Trong xu thế tiết kiệm chi phí và tìm đến giải pháp xanh, bên cạnh xe máy xăng thì nhà sản xuất cũng cho ra các phiên bản động cơ dầu. Dù đã có những thiết kế chủ ý như logo cảnh báo loại nhiên liệu ngay nắp bình chứa nhiên liệu hoặc đường kính khác nhau ở ống bơm nhiên liệu giữa hai loại xe dầu và xăng, nhưng những sự cố bơm nhầm nhiên liệu do lơ đễnh vẫn thường xảy ra.
Dù trong bất cứ trường hợp nhầm lẫn nào, đổ nhầm xăng vào dầu hay ngược lại, thì bạn cũng phải ngừng ngay động cơ và cho xe vào gara để xả thật kỹ bình chứa nhiên liệu cũng như hệ thống cung cấp nhiên liệu và thay thế bộ lọc trước khi cho xe hoạt động trở lại. Với những thợ am hiểu về hệ thống điện của xe thì chỉ cần đoạn dây điện nhỏ cùng ống mềm và can nhựa cũng có thể lấy nhiên liệu từ trong thùng xăng bằng việc đấu nối cho bơm xăng chạy độc lập, thực hiện vài lần súc rửa, thay lọc nhiên liệu là có thể đảm bảo an toàn cho xe.
Bản thân mỗi lái xe nên tập thói quen theo dõi nhắc nhở nhân viên bơm đúng nhiên liệu và cũng là cách giám sát lượng nhiên liệu bơm vào đúng với số tiền bỏ ra.
12. Xe nằm lỳ không chịu chạy
Khoảnh khắc đáng nhớ
Trong hành trình từ thành phố Hồ Chí Minh về Bình Phước - Đà Lạt - Nha Trang, trên chiếc Ford Escape 3.0 số tự động, chủ xe tên là N phát hiện thấy tình trạng rất lạ. Ngay khi vào địa phận Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng, xe bắt đầu có hiện tượng ì, vòng tua tới 4.000 vòng/phút nhưng tốc độ chỉ đạt 40km/h, sau đó thì nằm lỳ không chạy dù cần số ở vị trí D hoặc R.
Giải pháp
Chủ xe buộc lòng phải cầu cứu dịch vụ sửa xe của Ford từ Đà Lạt, và kết quả kiểm tra cho thấy nhớt hộp số đã cạn gây hỏng lá côn bên trong hộp số, và phải đợi mất cả ngày để có hàng thay thế từ Sài Gòn gửi lên. Đây là bài học quá lớn cho những ai coi thường không tìm hiểu cách sử dụng và chăm sóc xe số tự động.
Ngoài trường hợp cạn dầu, một số nguyên nhân khác cũng có thể khiến hộp số tự động bị lỗi như tắc lọc dầu hộp số hoặc hỏng bơm dầu. Hộp số tự động bị thiếu dầu có thể sẽ có dấu hiệu là kêu o o, chỉ cần sớm phát hiện và đổ thêm dầu là có thể khắc phục được. Hai trường hợp còn lại thì chỉ có cách xử lý tại gara.
Có vài nguyên nhân khác khiến chiếc xe của bạn nằm lỳ không chạy hoặc chạy mà ì như có người kéo lại. Đó có thể là do kẹt bố ambraya, hoặc kẹt bố thắng,... Câu chuyện trên đây chỉ là một sự cố mà những ai đi xe số tự động nên chú ý kiểm tra định kỳ mức dầu hộp số.
13. Động cơ xe nóng bất bình thường
Khoảnh khắc đáng nhớ
Trong một lần trên đường tiến vào khu du lịch thác Đamri trên chiếc xe Mitsubishi Pajero, anh Tài – hội trưởng hội off-road Sài Gòn – phát hiện thấy đồng hồ đo nhiệt độ nước làm mát chỉ báo nhiệt tăng quá mức cho phép. Ông Trung ở CLB Off-road Hà Nội cũng bị một sự cố tương tự với chiếc Mercedes-Benz G-class khi đang di chuyển từ Hoành Bồ về Tuần Châu, tỉnh Quảng Ninh.
Có thể dùng nước sạch bổ sung thêm khi gặp sự cố cạn nước làm mát
Giải pháp
Nhà sản xuất cũng đã tính đến hậu quả vô cùng tai hại của sự cố này nên có những cảnh báo bằng đèn hoặc chỉ thị trên bản táp-lô của xe để người lái kịp thời chú ý tránh cho động cơ diễn biến theo chiều hướng hư hại nặng. Tuy nhiên, khảo sát của Autocar Vietnam trong vài năm qua cho thấy rất nhiều xe đã bị thiệt hại nặng do lái xe không để ý chiếc đồng hồ này, nên khi xe không thể chạy được nữa thì đã quá muộn.
Sau khi dừng xe và mở ca-pô lên kiểm tra, anh Tài phát hiện thấy két nước bị thủng một lỗ nhỏ ở vị trí rất sâu bên trong, nên không thể dùng cách tạm thời nào đó để bịt lỗ thủng. Anh quyết định bổ sung nước thường xuyên bằng một bình nước suối lớn 20L cột chặt trên nóc xe và dẫn nước xuống két giải nhiệt từ từ bằng ống để bổ sung cho phần rò rỉ. Bằng cách này, chiếc xe đã tiếp tục hành trình vào tới nơi để khắc phục sửa chữa.
Xe đang lưu thông bình thường trên đường mà bỗng dưng động cơ nóng bất thường và đồng hồ cảnh báo nhiệt ở mức độ cao kèm theo triệu chứng xe chạy ỳ lại, bạn phải lập tức chọn điểm dừng xe an toàn và bật đèn cảnh báo, bật nắp ca-pô và đề phòng hơi nước nóng có thể thoát ra ngay khi bạn mở lên. Tiến hành quan sát khách quan để xem nếu có sự cố rò rỉ nước bất thường từ hệ thống ống hoặc két nước.
Bên cạnh đó, cũng nên tiến hành kiểm tra que đo nhớt động cơ. Nhớt bị hao hụt nhanh và bất thường hầu hết là do một sự cố va đập trước đó làm lủng các-te nhớt khiến động cơ thiếu hụt nhớt trầm trọng dẫn đến sinh nhiệt. Sự cố này cũng có thể được quan sát qua đồng hồ đo áp suất nhớt động cơ.
Nếu các ống trong hệ thống giải nhiệt bị thủng nhỏ có thể khắc phục tạm thời bằng việc làm khô bề mặt và sử dụng keo AB đối với bề mặt nhựa cứng hoặc kim loại, với những ống dẫn bằng cao su nếu không có thay liền thì có thể quấn bằng dây lót của vành xe máy hay xe đạp mà bạn có thể tìm mua tại bất cứ hiệu sửa xe nào. Nếu các-te nhớt thủng rất nhỏ, bạn có thể tạm thời bít bằng xà phòng cục và bổ sung nhớt tạm thời để chạy đến gara gần nhất. Trường hợp thủng lớn, không cách nào khác là phải gọi cứu hộ đưa xe về gara, hạ các-te để vá chỗ thủng.
Như chúng tôi đã đề cập trong số 30 (bài “Mỗi lái xe phải là một chuyên gia”), hao nước làm mát nếu không được xử lý kịp thời, máy nóng quá có thể sẽ bị bó, vênh mặt máy, thổi zoăng quy lát, chi phí sửa chữa sẽ rất lớn. Còn nếu tiếp tục cho xe chạy khi áp suất dầu động cơ bị tụt, các chi tiết bên trong động cơ không được bôi trơn, sẽ bị khô, lại cọ sát vào nhau ở tốc độ cao có thể gây hỏng toàn bộ bạc, trục cơ và xy-lanh, chi phí sửa chữa cũng sẽ rất tốn kém.
14. Xe đi bình thường, nghỉ, đề lại thì không nổ máy
Khoảnh khắc đáng nhớ
Chiếc xe Daewoo Matiz của anh D chạy ngon lành về Bà Rịa- Vũng Tàu trong một chuyến đi chơi, nhưng lúc chuẩn bị xuất phát ra về thì chiếc xe im lìm không thể khởi động được. Ngay trong những ngày đầu xuân, việc tìm kiếm thợ để khắc phục không hề đơn giản.
Mỗi người lái xe cần biết hộp cầu chí trên xe mình có những gì và kiểm tra ngay khi gặp sự cố có liên quan
Giải pháp
Khi dừng xe uống cà phê hay ăn sáng ở đâu đó, bạn trở lại xe khởi động thì xe im như cục đá, trong khi mới trước đó ít phút xe hoạt động rất tốt. Được một người bạn có kinh nghiệm tư vấn, anh hiểu rằng thường thì với tình huống này, nguyên nhân có thể khá đơn giản là do cọc ắc-quy vì lý do nào đó đã không tiếp xúc điện, hoặc cầu chì có vấn đề.
Anh D lay hai cọc bình ắc-quy, cả hai vẫn chắc chắn. Tuy nhiên, khi kiểm tra hộp cầu chì thì anh phát hiện ra cục rơ-le tổng trong hộp cầu chì bị tung ra. Một tình huống có thể khiến nhiều lái xe lo lắng hóa ra lại có nguyên nhân thật đơn giản.
15. Xe đột ngột chết máy khi đang chạy
Khoảnh khắc đáng nhớ
Tình huống xảy ra với anh K khi đang trên đường đi du lịch cùng gia đình tại Nha Trang trong chiếc Mazda 323 đời 2000. Khi xe đang chạy trên đường từ khu du lịch dốc Lết trở lại trung tâm Nha Trang với vận tốc 80km/h thì xe đột ngột chết máy, kim đồng hồ tua quay về số 0. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra nhưng chủ xe đã kịp thời cắt côn trả ngay về số 0 và cho xe chạy trớn tấp vào lề đường kiểm tra, đề máy lại nhưng xe tắc tịt, không thể nổ được?
Giải pháp
Rất ít kinh nghiệm về xe nên anh K buộc lòng phải gọi bạn bè tới hỗ trợ đưa xe về gara. Qua kiểm tra thì phát hiện đứt dây cu-roa cam và tình huống xấu là cong xu-páp. Lúc này xe buộc phải nằm tại chỗ và đợi tìm mua dây cu-roa thay thế rồi tính tiếp, cũng may khi thay xong, thử đề máy lại thì máy nổ bình thường.
Đây là một trường hợp may mắn vì đã không bị cong xu-páp, nhưng dĩ nhiên sự may mắn này cũng xuất phát từ việc xử lý rất nhanh trí của người lái ngay khi xe chết máy.
Ngoại trừ trường hợp bơm xăng bị hỏng bất ngờ hoặc hệ thống điện điều khiển bị lỗi, như đã trình bày những tình huống trên, thì việc đứt gây cu-roa cam phần lớn khiến cho xu-páp cong vênh không thể hoạt động. Chính vì vậy, hầu hết các dòng xe đời mới đã khắc phục nhược điểm này bằng cách sử dụng xích để dẫn động trục cam. Các chủ sở hữu xe sử dụng đai dẫn động cam cần chú ý thay thế dây dẫn động định kỳ (thường được khuyến cáo là sau khoảng 80.000km) để tránh những sự cố đáng tiếc.
16. Xe có hiện tượng chạy yếu, đề không nổ
Khoảnh khắc đáng nhớ
Anh Dũng ở Biên Hòa – thành viên hội otoxomnhala.com – trong một lần chạy xe trên đoạn Trảng Bom, Đồng Nai thì chiếc Asia 7 chỗ bị cà giật trong tích tắc rồi chết máy giữa đường không thể nổ máy lại được. Khu này toàn là rừng cao su nên chẳng kiếm đâu ra dịch vụ sửa chữa. Qua kiểm tra, anh phát hiện ra rằng bơm xăng đã bị hỏng nên không thể cung cấp nhiên liệu cho chế hòa khí.
Hãy dùng kẹp cầu chì để rút các cầu chì khi muốn kiểm tra
Giải pháp
Anh nhanh chóng khắc phục theo cách như bạn bè trong hội của anh thường làm là dùng một can nhỏ mà lúc nào anh cũng để sẵn trên xe mua khoảng 5 lít xăng gần đó và dùng ống mềm nhỏ mua tại tiệm vật liệu xây dựng để làm ống dẫn xăng cắm đúng vào vị trí cấp xăng hiện tại cho chế hòa khí. Can xăng trong xe thì được buộc cẩn thận trên ghế phụ, cao hơn chế hòa khí để tạo độ chênh lệch cho xăng chảy xuống. Ống dây mềm dẫn xăng thì được luồn qua cửa bên lái và cố định bằng băng keo, vậy là anh có thể tiếp tục đi về đến gara để thay bơm xăng.
Trên đây chỉ là kinh nghiệm trong một tình huống cụ thể, với xe sử dụng chế hòa khí. Còn với những xe sử dụng hệ thống phun xăng thì khá phức tạp, buộc phải kiểm tra bơm xăng bằng cách lật ghế sau hoặc cốp sau tùy loại xe để kiểm tra bơm xăng. Công việc này đòi hỏi người phải có kinh nghiệm, và cũng không thể áp dụng phương pháp dùng can xăng như xe trang bị chế hòa khí.
Xe có hiện tượng yếu, chạy cà giật bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân phức tạp như: một trong các bu-gi bị chết không hoạt động (tình huống số 9), bu-gi bị bám muội đen hoặc nhớt do hệ thống bạc và các-pốt ôm xu-páp không khít, hoặc chân xu-páp bị mòn khuyết, hay một trong các xéc-măng bị gãy.
Ở khía cạnh khác, có thể hệ thống lửa không đều, bơm xăng bị yếu hoặc lọc xăng quá bẩn, nghẹt đầu béc phun. Trường hợp nghiêm trọng là bơm xăng trong bình chứa bị hỏng hoặc mất nguồn cung cấp điện để hoạt động cũng làm cho xe lịm dần và không thể hoạt động. Hãy kiểm tra cầu chì xem cầu chì của bơm xăng (thường có ký hiệu là F/PUMP) có bị cháy hay không.
Trường hợp xe chạy trời mưa hay qua vũng nước bị chết máy đột ngột có thể hiểu do hệ thống hút nạp khí bị nhiễm nước, dây pin hở, bôbin sườn bị nước vào làm chạm, hư bộ chia điện delco đối với xe chế hòa khí, cá biệt do xui xẻo có thể chết cả ECU đối với xe chạy phun xăng nhưng rất hiếm.
17. Thoát khỏi vũng lầy hoặc cát
Khoảnh khắc đáng nhớ
Một lần cùng các bạn vào khu du lịch Bàu Trắng, Phan Thiết trên chiếc Honda Odessey, anh Thắng đậu xe dưới chân đồi cát, thuê những chiếc mô tô địa hình 4 bánh rồi hứng khởi leo dọc ngang đồi cát dễ như không. Nhưng đến khi lấy xe của mình ra về, đánh lái vài cái để chuẩn bị quay đầu thì bánh trước đã lún dưới cát không thể thoát ra, mặc cho động cơ V6 3.5L gầm rú, thậm chí ngay cả khi được nhóm bạn hỗ trợ đẩy từ phía sau.
Giải pháp
Khi bị sa lầy trong cát hay bùn nhão bạn không nên ngồi ì trên xe nạp ga cao, và cầu mong làm sao cho chiếc xe may mắn thoát ra khỏi cái bẫy, điều này chỉ làm cho bánh xe đào sâu thêm cái bẫy mà thôi, trường hợp xui xẻo có thể cháy bố ambraya.
Khi lâm vào hoàn cảnh này bạn nên xuống xe quan sát mức độ lún để có hướng giải quyết. Với những vũng bùn thì bạn có thể gia cố lại bề mặt bằng đá sỏi không sắc cạnh, cài số 2 và đạp ga từ từ đánh lái một chút qua phải hoặc trái tùy địa thế.
Trường hợp lún trong cát thì cũng để số 2 và đạp ga từ từ, tuy nhiên trước đó bạn có thể phải giảm áp suất lốp để tăng độ bám và phải đổ nhiều nước xung quanh những bánh xe bị lún cát cho bề mặt cát chặt lại. Trong cả hai trường hợp nếu một mình bạn không giải quyết được thì có lẽ phải nhờ thêm người đi đường hỗ trợ đẩy phụ từ phía sau hoặc xe kéo phía trước với dây cáp đủ chắc.
Anh Thắng hôm đó đã gặp may, khi người giữ xe gần đó đã có quá nhiều kinh nghiệm. Người giữ xe ấy điềm nhiên tiến lại và ra hiệu cho tài xế ngừng nạp ga. Anh lần lượt múc vài xô nước đổ xuống bánh xe bị lún cho tới khi mặt cát ướt nhẹp một vùng nén lại, và chiếc xe đã thoát được bẫy cát mà không cần sự hỗ trợ nào khác.
Kinh nghiệm quý báu là người lái xe cần biết cách xử lý để xe không bị sa lầy trong bùn hay cát. Duy trì đà khi đi qua những địa hình này là điều quan trọng, chính vì vậy người lái cần khảo sát kỹ trước khi tiếp cận một vũng bùn hay vùng cát, xác định vị trí đặt bánh chính xác rồi di chuyển ở tốc độ phù hợp thật đều ga để kịp xử lý nhưng không được đi quá chậm. Nếu xe mất đà và có dấu hiệu đứng lại thì dừng đạp ga ngay lập tức để tìm cách xử lý, nếu không bánh xe sẽ ngoáy cho hố sâu thêm.
Lời kết
Trong khuôn khổ của một bài báo, Autocar Vietnam biết chắc rằng sẽ không thể liệt kê hết được tất cả những gì có thể xảy ra trên hành trình của một chiếc xe hơi, mà chỉ là những tình huống điển hình. Hơn nữa, cùng một sự cố, nhưng mỗi lái xe lại có thể có cách xử lý thể khác nhau do hoàn cảnh xảy ra khác nhau.
Mỗi người lái xe để có thể được coi là một “tài già” đúng nghĩa cần hội tụ nhiều yếu tố: sự hiểu biết về chiếc xe mà mình điều khiển, tính ham học hỏi kinh nghiệm, sự bình tĩnh khi sự cố xảy ra, khả năng xử lý tình huống linh hoạt,…
Chúc các bạn luôn lái xe an toàn!
theo autocar