Vô-lăng phẳng đáy là phát minh dành cho xe đua nhiều năm trước. Để đảm bảo trọng lượng nhẹ, hiệu quả khí động học cao, xe đua thường thấp và hẹp, tay lái có xu hướng như nằm ngửa dưới sàn. Trong không gian hẹp như vậy, để tài xế ra vào dễ dàng hơn, vô-lăng phẳng đáy ra đời.
|
Vô-lăng phẳng đáy trên xe Ferrari. |
Theo các chuyên trang xe nước ngoài như Topgear, bên cạnh lợi ích lớn nhất là dễ ra vào, không vướng chân thì kiểu tay lái này còn giúp tài xế định hình tốt hơn vị trí vô-lăng, xe đang ở trạng thái chạy thẳng hay cong. Tuy có lợi cho xe đua, xe thể thao, siêu xe nhưng loại vô-lăng này khi lắp trên xe phổ thông lại không có nhiều tác dụng về vận hành.
Trên xe phổ thông, khoang nội thất khá rộng ngay cả với cữ người cao to Âu Mỹ, vì vậy việc ra vào không có gì khó khăn. Ngoài ra, những xe tích hợp vô-lăng phẳng đáy thường có thể điều chỉnh độ cao, hơn nữa ghế lái chỉnh điện đa chiều, có thể nâng hạ để tránh chạm chân vào vô-lăng. Tác dụng "dễ ra vào" trở nên không cần thiết.
|
Vô-lăng phẳng đáy trên Audi A4 2016. |
Bên cạnh đó, xe phổ thông có số vòng quay vô-lăng lớn hơn, tài xế sẽ thường xuyên rơi vào các trường hợp xoay 2 vòng rưỡi hay bắt chéo tay, vần vô-lăng liên tục ở cua hẹp. Vô-lăng phẳng đáy sẽ khiến tài xế bị hẫng khi xoay, có thể khiến việc lái xe khó khăn hơn.
Hiện nay vô-lăng phẳng đáy được áp dụng nhiều trên các mẫu xe sang nhưng thực tế tác dụng thẩm mỹ và cảm quan của khách hàng nhiều hơn là vận hành thực tế.