Nghị định 46/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt chính thức có hiệu lực từ 1.8.2016. Tuy nhiên, một số điều khoản được lùi thời điểm có hiệu lực đến ngày 1.1.2017. Cụ thể gồm:
Không sang tên đổi chủ
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.
Việc xử phạt không sang tên đổi chủ đã được quy định trong nghị định trong lĩnh vực giao thông trước. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho một số trường hợp như không có giấy tờ mua bán xe, không tìm được chủ gốc xe… có thể đăng ký sang tên xe nên đến nay lỗi này mới chính thức áp dụng.
Xe taxi không có máy in hóa đơn
Nghị định 46/2016 có quy định mới, phạt 2.000.000 -3.000.000 đồng với cá nhân và 4.000.000-6.000.000 đồng với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải khi sử dụng xe taxi chở khách không không có thiết bị in hóa đơn được kết nối với đồng hồ tính tiền cước.
Ngồi sau ô tô phải thắt dây an toàn
Phạt 100.000-200.000 đồng với người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy; người được chở trên xe ôtô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy.
Quy định cũ, chỉ bắt buộc người ngồi ở hàng ghế trước trong ô tô thắt dây an toàn.
Sử dụng điện thoại khi điều khiển ô tô
Lái xe ô tô sẽ phải lưu ý thêm quy định mới, người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường sẽ bị phạt từ 600.000-800.000 đồng.
Phạt nặng xe chở quá tải trọng
- Phạt 3-5 triệu đồng với người điều khiển xe bánh xích, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường (kể cả ôtô chở khách) mà tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 20% đến 50%, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng. Mức phạt này tương đương với quy định cũ.
- Phạt 5-7 triệu đồng với hành vi vi phạm: Điều khiển xe bánh xích, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường (kể cả ôtô chở khách) mà tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 50% đến 100%, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng;
Tuy nhiên, ở mức phạt này, một điểm mới là, nếu điều khiển xe có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng nhưng tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe nếu có) vượt quá quy định trong Giấy phép lưu hành thì người điều khiển xe bánh xích, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường (kể cả ôtô chở khách) vẫn bị xử phạt.
- Phạt 7-8 triệu đồng với người điều khiển xe bánh xích, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường (kể cả ôtô chở khách) mà tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 100% đến 150%, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.
- Quy định cũ chỉ quy định, tất cả các xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 100% đều chịu mức phạt là 7-8 triệu. Tuy nhiên, ở Nghị định 46/2016, ngưỡng cao nhất được đẩy lên 150%.
Theo đó, người điều khiển xe bánh xích, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường (kể cả ôtô chở khách) mà tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 150%, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng thì bị phạt 14-16 triệu đồng.