Mùa nắng nóng, nhiệt độ trong ôtô khi dừng đỗ có thể lên đến 60-80 độ C. Sử dụng điều hòa không đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe hành khách và hư hại hệ thống điều hòa.
Khi đỗ xe vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ bên ngoài khoảng 40-42 độ C, nhiệt độ bên trong xe có thể lên đến 60, thậm chí 80 độ C nếu xe được đỗ dưới nắng.
Nhiều tài xế có thói quen lên xe bật ngay điều hòa nhiệt độ thấp, gió mạnh để làm mát khoang xe nhanh chóng. Đây là một thói quen tai hại có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và độ bền của xe.
Không bật điều hòa ngay khi lên xe
Theo các chuyên gia ôtô, khi đỗ xe, khoang xe không thông thoáng, đồng thời nhiệt độ tăng cao gấp 1,5 đến 2 lần nhiệt độ bên ngoài. Lúc này xe có thể tích lũy 2.000-4.000 mg benzen, một loại dung môi hữu cơ có khả năng gây ra ung thư, gấp 40 lần mức cho phép. Benzen được sinh ra trong môi trường nhiệt độ cao trong xe hơi từ các vật liệu nhựa và không khí từ động cơ lọt vào xe.
|
Mở cửa xe để trung hòa nhiệt độ trước khi nổ máy và bật điều hòa. Ảnh: Luxgen Motors Việt Nam. |
Việc bật điều hòa ngay khi lên xe không những không tốt cho sức khỏe mà còn gây quá tải cho hệ thống điều hòa, ắc quy của xe do lúc này nhiệt độ trong xe cao hơn bên ngoài nhiều.
Tốt nhất nên mở cửa sổ, mở cửa xe khoảng vài phút để không khí trong xe và bên ngoài được trung hòa, sau đó mới nên bật điều hòa để làm mát khoang xe.
Không nên để nhiệt độ điều hòa chênh quá 7 độ C so với nhiệt độ ngoài trời
Nhiều người có thói quen để điều hòa ở nhiệt độ thấp, khoảng 18-20 độ C. Đây là một thói quen không tốt bởi chênh lệch nhiệt độ bên trong và bên ngoài xe vượt quá 7 độ C có thể làm tăng nguy cơ sốc nhiệt, có thể dẫn đến đột quỵ với những người có tiền sử tim mạch.
|
Nên bật điều hòa từ 25 đến 27 độ C với thời tiết ngày hè tại Việt Nam. |
Nhiệt độ tốt nhất nên duy trì trong khoang xe là khoảng 25 độ C trong hành trình và chỉnh đến ngưỡng phù hợp với nhiệt độ bên ngoài khoảng 10 phút trước khi ra khỏi xe.
Để nhiệt độ điều hòa phù hợp không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe mà còn hạn chế tiêu tốn nhiên liệu xe và giảm áp lực lên hệ thống điều hòa.
Dùng chế độ gió trong và dừng nghỉ hợp lý
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia ôtô, nên sử dụng chế độ lấy gió trong khi vận hành xe bởi dùng gió trong sẽ giúp khoang xe trong lành hơn, tránh khói, bụi và các loại mùi lọt vào xe.
|
Nên sử dụng chế độ gió trong (đèn như trong hình bật sáng) và dừng nghỉ hợp lý trong hành trình. |
Tuy nhiên, nếu để chế độ gió trong trong một hành trình dài có thể dẫn đến tình trạng thiếu oxy. Do đó cần dừng nghỉ sau khoảng 2 giờ lái xe liên tục để thư giãn, đồng thời mở cửa cho khoang xe thông thoáng. Trong hành trình cũng có thể chuyển sang chế độ gió ngoài ở một vài đoạn đường sạch sẽ để lấy thêm oxy vào khoang xe.
Thay lọc gió điều hòa sau mỗi 20.000 km hoặc tùy điều kiện sử dụng
Môi trường bụi bẩn, chuột làm tổ, vào nước là những nguyên nhân khiến lọc gió điều hòa phải được thay thế. Theo khuyến cáo từ nhà sản xuất, lọc gió điều hòa cần được thay định kỳ sau mỗi 20.000 km. Tuy nhiên, nếu thường xuyên sử dụng xe trong môi trường bụi bặm như ở Việt Nam, chủ xe nên kiểm tra, vệ sinh lọc gió điều hòa sau mỗi 3.000 km để kịp thời thay thế.
|
Lọc gió điều hòa bẩn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. |
Ngoài ra, chủ xe cũng cần kiểm tra lượng ga trong hệ thống điều hòa sau mỗi 10.000 km để kịp thời bổ sung. Thiếu ga điều hòa sẽ khiến hệ thống điều hòa mất khả năng làm mát và tăng nguy cơ hỏng hóc.
Sử dụng điều hòa đúng cách là kiến thức mà các tài xế cần trang bị để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, hành khách và cũng để tối ưu hóa chi phí, tránh những hư hỏng không đáng có của xe.