Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định này là việc bổ sung nội dung về thuế suất thuế NK ưu đãi đối với linh kiện ô tô NK theo Chương trình ưu đãi thuế.
Thuế NK linh kiện ô tô giảm về 0% để khuyến khích sản xuất trong nước. Tuy nhiên để được hưởng mức thuế linh kiện 0% doanh nghiệp sản xuất phải đáp ứng một số điều kiện. Ảnh Nguyễn Hà
Theo quy định tại Nghị định 125, từ ngày 1/1/2018, các linh kiện ô tô NK thuộc nhóm hàng 98.49 trong Biểu thuế NK sẽ áp dụng mức thuế suất ưu đãi là 0%.
Tuy nhiên, tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, doanh nghiệp thực hiện kê khai, nộp thuế theo mức thuế nhập khẩu thông thường hoặc mức thuế nhập khẩu ưu đãi hoặc thuế suất thuế NK ưu đãi hoặc thuế suất thuế NK ưu đãi đặc biệt theo quy định hiện hành, chưa áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0% của nhóm hàng 98.49.
Cũng theo quy định mới, đối tượng áp dụng Chương trình ưu đãi thuế là doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Về điều kiện áp dụng Chương trình ưu đãi thuế, Chính phủ nêu rõ: Doanh nghiệp phải cam kết sản xuất, lắp ráp xe ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021) và mức 5 (từ năm 2022 trở đi) và đạt đủ sản lượng quy định theo các tiêu chí về sản lượng và mẫu xe.
Căn cứ kết quả kiểm tra hồ sơ đề nghị áp dụng mức thuế suất 0% của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện để được áp dụng Chương trình ưu đãi thuế và doanh nghiệp có số tiền thuế đã nộp đối với số linh kiện ô tô đã nhập khẩu lớn hơn số tiền thuế phải nộp theo mức thuế suất của nhóm 98.49 thì cơ quan Hải quan thực hiện xử lý tiền thuế nộp thừa cho doanh nghiệp theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng đẫn thi hành.
Trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện để được áp dụng Chương trình ưu đãi thuế thì cơ quan Hải quan có văn bản trả lời cho doanh nghiệp được biết.
Biểu thuế NK ưu đãi cụ thể cho các dòng thuế cụ thể đang được cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính rà soát lần cuối trước khi được phát hành rộng rãi.
Trước đó, trong quá trình xây dựng Nghị định này, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết: Mục tiêu cần đạt được của việc điều chỉnh thuế NK ưu đãi linh kiện ô tô lần này là đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đối với nhà nước là góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp phụ trợ phát triển; tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động; góp phần tăng thu ngân sách nhà nước và góp phần hạn chế nhập siêu ô tô; Đối với doanh nghiệp phụ trợ: tăng nhu cầu đối với linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.
Đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp là góp phần hỗ trợ cho thị trường ô tô tăng trưởng ổn định, duy trì được sản xuất với sức cạnh tranh về giá đối với các xe ô tô nhập khẩu.
Đối với người tiêu dùng là góp phần tạo ra thị trường ô tô giá rẻ, chất lượng cao.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh thuế sẽ góp phần duy trì ổn định tỷ lệ tăng trưởng sản xuất, lắp ráp đối với 2 nhóm xe của Chương trình trong giai đoạn 2018-2022 là 16% /năm (xe dưới 9 chỗ) và 18%/năm (đối với xe tải); tăng tỷ lệ số xe sản xuất, lắp ráp so với nhu cầu nội địa đối với 2 nhóm xe của Chương trình trong giai đoạn 2018-2022 đạt từ 80% trở lên.
Đặc biệt, thông qua điều chỉnh thuế sẽ phát triển công nghiệp hỗ trợ bằng việc đạt tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước là 40% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước từ năm 2022 trở đi cho cả 2 nhóm xe của Chương trình (Đối với mẫu xe cam kết thuộc nhóm xe dưới 9 chỗ: năm 2018 là 20%; năm 2019 là 25%; năm 2020: 30%; năm 2021: 35%; năm 2022 là 40%. Đối với mẫu xe cam kết thuộc nhóm xe tải là năm 2018 là 10%; năm 2019 là 15%; năm 2020: 20%; năm 2021: 25%; năm 2022 là 40%).