Lốp mòn đi vào đường ướt dễ gây hiện tượng trượt nước, lốp xe trượt trên lớp nước và không tiếp xúc mặt đường.
Không hiểu các bác tài có khi nào tự hỏi lốp xe bị mòn thì có làm giảm khả năng vận hành và tính an toàn của xe hay không? Tại sao?
Trên lốp có các đường gân lốp (tread) và rãnh lốp (groove). Diện tích tiếp xúc của lốp xe với mặt đường chính là phần diện tích gân lốp. Diện tích tiếp xúc lớn thì ma sát lớn, xe tuy có tốn xăng hơn nhưng an toàn hơn do lốp bám đường nhiều hơn. Ngược lại, với lốp xe có diện tích tiếp xúc nhỏ thì ma sát ít, xe “bốc” nhanh hơn khi tăng tốc, và đỡ tốn xăng hơn.
Sau một thời gian sử dụng, các gân lốp bị mòn. Mòn một phần là mòn chưa tới rãnh lốp, vẫn còn nhìn thấy gân và rãnh. Mòn hoàn toàn là khi gân lốp mòn hết, tới phần rãnh, nhìn mặt lốp thấy nhẵn thín.
Khi gân lốp một phần (mòn chưa tới phần rãnh lốp) thì diện tích của gân lốp mới và cũ là như nhau. Khi gân lốp bị mòn hết làm cho phần rãnh lốp cũng tiếp xúc với mặt đường, do đó lúc này diện tích tiếp xúc mặt đường của lốp bị mòn hết gân lớn hơn là khi gân lốp chưa bị mòn hết. Như vậy, lốp cũ sẽ có diện tích tiếp xúc với mặt đường bằng hoặc lớn hơn lốp mới, mà diện tích tiếp xúc lớn thì ma sát (friction) lớn, tức là xe bám đường tốt hơn và an toàn hơn.
Vậy người ta tạo gân lốp để làm gì? Tại sao người ta không thay gân lốp bằng cách làm cho lốp dày đúng bằng chiều dày của phần có gân lốp, vì như vậy lốp có độ bám đường tốt hơn và lại lâu mòn hơn?
Câu trả lời cho sự tồn tại của gân lốp là hiện tượng “Trượt nước” (Aquaplaning hoặc Hydroplaning).
|
Hiện tượng trượt nước (Aquaplaning). Ảnh: Wikipedia.
|
Trượt nước là hiện tượng lốp xe trượt trên một lớp nước khi xe chạy trên đường ướt với tốc độ đủ lớn. Chẳng hạn, nếu xe có tốc độ 85 km/h, gặp lớp nước có độ dày 2,5 mm thì hiện tượng trượt nước xuất hiện sau khi chạy trong điều kiện này khoảng 9 m.
Khi hiện tượng trượt nước xuất hiện, lốp xe trượt trên lớp nước và không tiếp xúc với mặt đường nữa. Do đó, mọi sự thay đổi về hướng xe khi đánh lái hoặc tăng giảm tốc độ đều vô dụng. Chiếc xe lao thẳng theo hướng và tốc độ khi hiện tượng trượt nước xuất hiện (xem hình minh họa hiện tượng trượt nước). Tai nạn xảy ra hay không tùy thuộc vào số phận!
Để khắc phục hiện tượng này, người ta phải tạo các rãnh trên mặt lốp xe nhằm phân tán lớp nước nằm giữa lốp xe và mặt đường về phía sau và 2 bên lốp xe.
Nếu gân lốp và rãnh lốp có đủ độ sâu sẽ giúp thoát nước tốt, đảm bảo độ bám đường. Khi gân lốp mòn, khả năng thoát nước ở các rãnh kém, phần diện tích tiếp xúc với mặt đường giảm, làm giảm khả năng điều khiển về tốc độ và hướng xe. Khả năng thoát nước tùy thuộc vào độ mòn của gân lốp và tốc độ xe.
Hãy xem hiện tượng trượt nước qua video thí nghiệm dưới đây: chiếc xe thứ nhất có lốp mới, ta thấy xe đảo hướng theo ý của tài xế, chứng tỏ xe bám đường. Chiếc xe thứ hai lốp mòn, gân lốp chỉ còn 1,6 mm, xe chạy theo đường thẳng cho dù tài xế đánh lái liên tục sang hai bên, chứng tỏ bánh xe không còn bám đường do hiện tượng trượt nước.
|
Bảng tỷ lệ (%) mặt lốp tiếp xúc với mặt đường khi xe chạy vào đường ướt. Ảnh: Nokiantyres.
|
Cách tránh trượt nước khi thấy mặt đường có nước: gân lốp sâu ít nhất 1,5 mm, giảm tốc độ còn khoảng 50 km/h, không đạp phanh mạnh hết sức (chỉ cần rà phanh), không đánh tay lái quá gấp, giữ cho hướng xe theo hướng xe chạy phía trước.
Cách xử lý khi bị trượt nước: nhả ga, đánh lái về hướng mong muốn, rà phanh (không đạp phanh hết sức).
Vậy nên các bác tài nếu thấy lốp xe mòn rồi thì chớ có chạy nhanh khi đường bị ướt. Khi thấy vũng nước thì giảm tốc độ hoặc tránh, chớ có lao vào vì vừa mất an toàn cho bản thân vừa bắn nước vào người khác