Cái chết của ngành công nghiệp ôtô không chỉ lấy đi 200.000 việc làm, mà còn khiến nước Úc mất đi toàn bộ thành tựu và kinh nghiệm trong ngành ôtô cũng như hàng loạt công nghệ trong tương lai. Đây là bài học cảnh tỉnh đau đớn cho những quốc gia chỉ tham gia vào chuỗi sản xuất, lắp ráp mà không đầu tư cho các thương hiệu ô tô nội địa.
Khai tử vì “chỉ làm thuê”
Ngày 20/10/2017 General Motors Holden (công ty con của hãng General Motors) tại Úc ngưng hoạt động động sau khi xuất xưởng chiếc sedan thương hiệu Holden Commodore cuối cùng. Hai hãng còn lại trong bộ ba sản xuất ô tô lớn nhất nước Úc một thời cũng đã lần lượt chấm dứt hoạt động là Ford (tháng 10/2016) và Toyota (ngày 3/10/2017). Trước đó, hai hãng xe Nhật Bản là Nissan và Mitsubishi cũng không còn lựa chọn Úc là một trong những cứ điểm sản xuất ở nước ngoài của mình.
Thực tế u ám trên hoàn toàn tương phản với sự hấp dẫn của thị trường ô tô Úc. Năm 2016, thị trường này xếp thứ 16 trên thế giới, đạt doanh số tới 1,18 triệu chiếc. Trong số này, 90% là xe nhập khẩu từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và các nước đã ký kết Hiệp định thương mại tự do với Úc. Do đó, trong tương lai, nước Úc còn phải đối mặt với sự chênh lệch cán cân thanh toán khi tỷ trọng nhập khẩu ô tô và linh phụ kiện thay thế vẫn liên tục tăng.
Đặc biệt, nếu đặt mất mát này trong bối cảnh bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới thì "với sự ra đi của ngành công nghiệp ôtô, thứ mà người Úc đánh mất không đơn thuần là việc làm, mà là tất cả thành tựu và kinh nghiệm trong ngành ôtô", Dave Smith của Hiệp hội công nghiệp sản xuất Úc chia sẻ.
“Chúng ta sẽ phải chứng kiến các quốc gia khác làm chủ công nghệ xe tự lái và hàng loạt công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai trong lĩnh vực này” - Dave Smith cho biết.
Nhìn lại ngành công nghiệp ô tô Việt
Ông Đỗ Đình Việt, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, dù 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô ở Vĩnh Phúc vẫn tăng trưởng, nhưng dòng Honda Civic chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu 1.200 xe, Toyota Fortuner chuyển từ sản xuất trong nước sang nhập khẩu 7.700 xe. Điều này khiến số thu ngân sách tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2017 chỉ đạt trên 11.660 tỷ đồng, bằng 38% dự toán năm.
Theo một chuyên gia kinh tế, đóng góp lớn của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô thương hiệu ngoại đối với các địa phương là rất đáng ghi nhận, nhưng mặt trái của vấn đề này là “doanh nghiệp hắt hơi thì địa phương cảm cúm”.
“Khi thương hiệu nước ngoài thu hẹp sản xuất, hay thậm chí là quyết định rút khỏi thị trường như câu chuyện của nước Úc thì thiệt hại cho nền kinh tế sẽ không chỉ là hàng chục nghìn tỷ đồng hụt thu ngân sách mà còn kéo theo hàng chục, hàng trăm nghìn việc làm biến mất”, vị chuyên gia này nhận định.
Ở góc độ khác, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích, ở Việt Nam hiện nay, lĩnh vực ô tô đều do những tập đoàn lớn của thế giới chi phối. Bởi vậy các doanh nghiệp muốn tham gia ngành này không có nhiều lựa chọn, mà hầu hết đều phải trở thành mắt xích trong chuỗi sản xuất của các hãng lớn.
“Ngoài việc lệ thuộc về mặt sản xuất, ngay cả thị trường thế nào, tiêu thụ bao nhiêu và ở đâu cũng bị các hãng này khống chế, họ cho mình khoảnh nào thì biết vậy thôi”, ông Cung nhấn mạnh.
Tại sao phải có ngành công nghiệp ô tô tự chủ?
Ông Cung cho rằng, nếu chúng ta có thương hiệu ô tô nội địa thì có thể đã không rơi vào thế mất chủ động như hiện nay. Đó cũng là lý do, Chính phủ đã có nhiều động thái mạnh mẽ để tìm cửa sống cho công nghiệp ô tô thương hiệu Việt.
Tại Lễ khởi công Dự án tổ hợp sản xuất ô tô, xe máy điện Vinfast tại Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định: “Một nước có trên 50 triệu dân phải có thương hiệu ô tô của quốc gia đó”.
Bởi khi chúng ta có thương hiệu ô tô quốc gia có nghĩa là chúng ta có một nền công nghiệp ô tô tự chủ, thứ sẽ giúp cho chúng ta đảm bảo được việc làm cho hàng chục nghìn lao động đang làm việc trong các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô liên doanh với nước ngoài ngay cả khi họ chấm dứt sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.
Hơn nữa, thương hiệu ô tô quốc gia còn giúp chúng ta tạo ra hàng tỷ đô la trực tiếp và gián tiếp đóng góp cho ngân sách thông qua nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp sản xuất ô tô, doanh nghiệp hỗ trợ và cả người tiêu dùng.
Vì thế, mọi kỳ vọng đang dồn vào VinFast. Thương hiệu ô tô non trẻ mới ra mắt 60 ngày đã làm được những việc mà các doanh nghiệp khác nhiều năm chưa làm được với tốc độ “đáng kinh ngạc”.
“Cách họ làm (VinFast - PV) cũng thể hiện một tầm nhìn khác hẳn và một giấc mơ lớn hơn nhiều: Chúng ta không chỉ sản xuất ô tô, mà sẽ có một thương hiệu ô tô Việt”, ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.