Từ cuối năm ngoái, anh Thịnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có nhu cầu mua một chiếc Mercedes GLE 400 4Matic. Nhưng khi biết đầu năm nay, một số sắc thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc về Việt Nam sẽ giảm đáng kể nên đầu tuần này, anh quyết định đặt xe. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, dòng xe anh chọn đã được doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán thêm hơn 200 triệu đồng so với trước và mức giá hãng niêm yết là hơn 3,5 tỷ đồng. "Cứ nghĩ giá giảm ai ngờ lại tăng nhiều. Tôi đang tính toán lại vì số tiền chi ra khá lớn", anh cho hay.
Theo khảo sát VnExpress tại một số showroom xe nhập khẩu, trong nhiều dòng nhập khẩu nguyên chiếc 2 thương hiệu Mercedes-Benz và BMW được hầu hết các doanh nghiệp tăng giá bán. Các hãng còn lại cũng đang bắt đầu rục rịch lên kế hoạch điều chỉnh.
Đại diện một showroom trên đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân) cho biết lý do tăng giá bán xuất phát từ Nghị định 108 của Chính phủ (theo đề xuất của Bộ Tài chính) có hiệu lực vào ngày 1/1/2016 về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc. Theo ông này, ngoài việc thay đổi cơ cấu tính giá, chính sách mới buộc các doanh nghiệp nhập khẩu phải chịu thêm 10% chi phí quảng cáo, lợi nhuận được tính trước thuế tiêu thụ đặc biệt.
"Do có tính lũy kế nên sau khi thực hiện chính sách mới này tổng thuế mà doanh nghiệp phải trả cho mỗi xe tăng thêm 13%. Và tất nhiên không thể có cách nào khác ngoài tính khoản này vào giá thành", ông cho biết.
Tuy nhiên, vị này cho rằng không phải lúc này xe mới tăng giá mà thực tế đã được điều chỉnh từ cách đây khoảng một tháng. Ông cho biết, trước khi Nghị định 108 có hiệu lực thì từ 30/11/2015, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định 3905, trong đó đề cập danh mục hàng hóa xuất khẩu rủi ro về giá và mức giá tham chiếu trong đó tăng giá áp cho từng loại xe. Cụ thể, mức giá áp để tính thuế cho các dòng xe nhập nguyên chiếc đều tăng hơn vài nghìn USD so với trước.
|
Các dòng xe sang nhập khẩu nguyên chiếc đang được doanh nghiệp điều chỉnh giá bán tăng cao hơn trước.
|
Ông dẫn ví dụ như Range Rover Evoque 2.0 trước kia giá áp tính thuế chỉ khoảng 21.500 USD, nay được áp giá tối thiểu 25.000 USD. "Chỉ với sự thay đổi nhỏ này thôi giá xe đã tăng gần 20% so với trước mà chưa cần tính đến tiền quảng cáo hay chi phí lợi nhuận", vị này bày tỏ.
Tại doanh nghiệp này, trong nhiều thương hiệu, các mẫu xe của BMW đã được điều chỉnh tăng thêm 49-650 triệu đồng. Riêng Mercedes-Benz mức thấp là 20 triệu đồng và mức cao nhất là gần 1,8 tỷ đồng (mẫu AMG G65 tăng từ 14,6 tỷ đồng lên 16,4 tỷ đồng). "Đến tháng 3 năm nay, Range Rover, Porsche sẽ giới thiệu mẫu mới ra thị trường đồng thời hãng cũng sẽ tăng giá bán", ông nói.
Trao đổi với VnExpress, ông Đặng Như Quỳnh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần 999999999 Việt Nam cho biết ngoài việc thay đổi cơ cấu tính giá, với chính sách điều hành tỷ giá trung tâm, thay đổi hằng ngày, thay vì cố định trong thời gian dài khiến doanh nghiệp khó chốt với đối tác một mức tỷ giá cụ thể. "Cuối cùng mọi chi phí phát sinh vẫn sẽ được doanh nghiệp tính vào giá bán. Người tiêu dùng sẽ phải gánh hết", ông này nói.
Để tránh rủi ro cho cả doanh nghiệp lẫn khách hàng, ông cho biết sau khi đặt xe công ty sẽ báo khách hàng giá CIF về cảng, còn xe ra thị trường phải tính thuế theo quy định mới. Khách hàng mua xe phải chấp nhận rủi ro việc đội giá thành, bởi doanh nghiệp không thể cáng đáng được hết. Riêng với khách hàng đã đặt xe trước tháng 12 năm ngoái, theo ông, doanh nghiệp vẫn phải giao và chịu thiệt vì chốt hợp đồng trước khi chính sách thay đổi.
Dù nhà nhập khẩu luôn ở thế "nước nổi, bèo nổi", mọi chi phí tăng theo đều được tính vào giá bán, song một số doanh nghiệp cũng lo ngại mức tăng quá cao với mỗi dòng xe ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng của khách hàng.
Theo giám đốc một showroom trên đường Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm), trước đó phần đông khách hàng lúc này đều muốn chờ đợi giá xe giảm bởi theo lộ trình hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký với một đối tác thì thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước ASEAN sẽ giảm từ đầu năm nay. "Tuy nhiên các dòng xe hạng sang như Audi, Lexus, Range Rover, Mercedes-Benz, BMW phần lớn nhập khẩu từ Nhật Bản, Mỹ, châu Âu... - những nơi mà các FTA mới đang trong quá trình hoàn tất - nên chưa có cơ hội hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi", ông khẳng định.
Ông cho biết với việc áp thuế kiểu mới đối với xe nhập khẩu, gần như các doanh nghiệp đều phải "quay đầu xe", không dám nhập số lượng nhiều về. "Tuy nhiên, khi doanh nghiệp ngưng nhập sẽ khan hiếm hàng và giá bán lại có cơ hội để tăng cao hơn", ông nói.
theo vnexpress