Mới nhất trong loạt rúng động của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản là lời thừa nhận của Subaru về việc để nhân viên không đủ thẩm quyền giám sát quy trình kiểm định chất lượng. Quá trình này đã diễn ra trong suốt 30 năm qua.
Ngay trước đó, người đứng đầu Nissan đã phải cúi đầu xin lỗi dư luận khi để lỗi kỹ thuật tương tự Subaru phát sinh kể từ năm 1979. Bê bối này đang khiến nhà sản xuất Nhật Bản dừng hoạt động tại quê nhà và đứng trước đợt thu hồi tới 1,2 triệu xe.
Chưa dừng lại ở đó, giữa tháng 10, tức chỉ cách đây nửa tháng, hãng sản xuất linh kiện lớn bậc nhất Nhật Bản Kobe Steel bị phanh phui vụ việc để các dữ liệu chất lượng giả qua mặt khách hàng. Các khách hàng đó phần lớn là các hãng ô tô trong nước như Toyota, Honda, Mazda, Nissan, Subaru, Suzuki.
Mặc dù Kobe Steel đã lên tiếng chưa có thương vong nào liên quan tới gian dối trên; bản thân các đối tác mua vật liệu nhôm và đồng từ hãng này cũng tiến hành điều tra và chưa phát hiện sản phẩm mất an toàn với người dùng, nhưng tâm lý của khách hàng đã bất an.
Trên thực tế, sự bất an này đã ẩn hiện trong suốt những năm qua khi hãng túi khí Nhật Bản Takata vấp phải khủng hoảng về chất lượng khiến hơn 10 người thiệt mạng và hơn 100 triệu túi khí bị thu hồi trên toàn thế giới.
Trước khủng hoảng trầm trọng, Takata đã phải tuyên bố phá sản và bán mình cho công ty đổi thủ.
Tuy nhiên, thời điểm đó, ảnh hưởng diễn ra không chỉ tại đất nước mặt trời mọc nên ô tô Nhật Bản chưa bị đặt quá nhiều nghi vấn về chất lượng. Thứ bị ảnh hưởng nghiêm trọng chính là "chất lượng Nhật Bản".
"Kiểm soát chất lượng tại Nhật Bản đang ngoài tầm kiểm soát", tờ Bloomberg viết sau loạt bê bối liên quan tới kiểm định chất lượng tại quốc gia này. "Phải mất rất nhiều năm, danh tiếng về chất lượng của ô tô Nhật Bản mới được xây dựng nhưng nay, nó đang bị đánh mất".
Cùng quan điểm, tờ New York Times cho rằng, lợi thế của ô tô Nhật Bản tới từ chất lượng khi đặt cạnh các sản phẩm giá rẻ từ nhiều quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên, lợi thế đó đang bị lung lay sau hàng loạt bê bối bị phanh phui.
"Đó vốn là giá trị cốt lõi và là điểm sáng để cạnh tranh của ô tô Nhật Bản. Nếu mất đi, ô tô Nhật Bản làm thế nào để vươn lên?", tờ báo Mỹ đặt câu hỏi.