Những biến động về chính sách thuế đã khiến ô tô nhập khẩu trong năm vừa qua có nhiều biến động và sụt giảm đáng kể so với năm trước dù thị trường ô tô vẫn đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 12, thị trường trong nước nhập về ước đạt 16.000 chiếc xe ô tô nguyên chiếc đạt trị giá 227 triệu USD. Với con số này, lượng xe nhập khẩu trong tháng cuối năm cao hơn đáng kể cả về lượng và trị giá khi hơn tới 4.000 chiếc so với tháng trước.
Lượng ô tô nhập khẩu trong tháng 12 tăng trưởng mạnh so với tháng trước đó cả về lượng và trị giá nhưng cũng không đủ khiến cho ô tô nhập khẩu trong cả năm 2016 đạt được tăng trưởng.
Tính trong cả năm 2016, thị trường Việt Nam nhập khẩu 115.000 chiếc ô tô, đạt trị giá 2,322 tỷ USD. Con số này giảm 8,5% về lượng và giảm tới 22,1% về trị giá so với năm 2015 dù thị trường ô tô Việt Nam trong năm vừa qua vẫn đạt được sự tăng trưởng đáng kể.
Không thể phủ nhận ô tô nhập khẩu đã trải qua một năm “khó khăn”. Đặc biệt là những lần thay đổi về chính sách thuế khiến các dòng xe ô tô nhập khẩu trong nước tăng giá mạnh và có nhiều biến động.
Tháng 1/2016 Nghị định 108 hướng dẫn Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi để quy định giá tính thuế mới để hướng dẫn Luật bổ sung, sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) chính thức có hiệu lực đã khiến hầu hết các dòng xe ô tô nhập khẩu tăng giá.
Nếu như trước đây, thuế TTĐB với xe nhập khẩu được tính dựa trên giá nhập khẩu (CIF) và thuế nhập khẩu (chưa bao gồm chi phí vận chuyển, marketing, bán hàng) thì theo Luật mới, giá vốn xe nhập khẩu bao gồm: Giá tính thuế nhập khẩu + thuế nhập khẩu (nếu có) + thuế tiêu thụ đặc biệt tại khâu nhập khẩu. Trong trường hợp giá bán của cơ sở nhập khẩu thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu thì giá tính thuế TTĐB là giá do cơ quan thuế ấn định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Cách tính này đã khiến cho giá bán của hầu hết các dòng ô tô nhập khẩu về Việt Nam tăng giá từ vài chục đến vài tỷ đồng.
Thế nhưng, ngay sau đó 6 tháng, ô tô nhập khẩu một lần nữa lại trải qua một lần tăng/giảm giá nữa khi Luật TTĐB và Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua với mức thuế tiêu thụ đặc biệt được áp theo dung tích từng dòng xe.
Vào thời điểm 1/7 khi Luật thuế sửa đổi, bổ sung mới này có hiệu lực, các mẫu xe có dung tích xi lanh từ 3L trở lên sẽ có đợt tăng giá mới. Cụ thể xe có dung tích xi lanh từ 3-4L sẽ chịu mức thuế 90%, xe từ 4L- 5L có mức thuế 110%, xe từ 5L - 6L có thuế là 130% và xe trên 6L sẽ phải chịu mức thuế lên tới 150%. Đây được xem là mức thuế TTĐB cao kỷ lục áp dụng với các dòng xe này từ trước đến nay.
Theo tính toán, với mức thuế mới, xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc có dung tích xi-lanh từ 3L-4L sẽ tăng giá khoảng 15%- 20%. Các xe từ 4L-5L tăng 30%; xe từ 5L-6L tăng đến 40% và các dòng xe dung tích trên 6L có thể tăng giá tới 50% so với giá bán trước thời điểm áp dụng chính sách thuế mới. Và các thương hiệu xe sang tại Việt Nam như Audi, BMW, Lexus, Mercedes-Benz, Land Rover, Porsche,… đều phải đối mặt với việc phải tăng giá một loạt các dòng sản phẩm của mình thêm ít nhất vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Đó là chưa kể đến các dòng xe siêu sang có mức tăng đến vài chục tỷ đồng. Trái lại, các dòng xe dung tích nhỏ lại được hưởng lợi từ chính sách thuế này.
Điều này đã khiến các nhà nhập khẩu ồ ạt nhập xe về trước thời điểm 1/7 để "né" thuế Tiêu thụ đặc biệt dù chưa có Thông tư hướng dẫn. Chính điều này đã làm dấy lên tranh cãi, khi Thông tư 130 hướng dẫn từ Bộ Tài chính quy định giá trị tính thuế được xác định vào thời điểm xuất hóa đơn bán. Tức là nếu bán xe sau thời điểm 1/7 thì thuế TTĐB sẽ được tính theo dung tích xe như quy định.