Mặc dù lịch bảo dưỡng định kỳ theo khuyến cáo tương tự như xe du lịch, nhưng điều kiện hoạt động khác nhau, nên bảo dưỡng xe khách có những điều cần chú ý đặc biệt.
Khác với xe du lịch, các dòng xe khách nói chung thường hoạt động trong tình trạng đủ tải liên tục. Rất nhiều xe hoạt động với cường độ cao, như xe liên tỉnh có thể hoạt động tới 200 - 300km một ngày, trong khi xe vận tải hành khách Bắc – Nam thì nhiều hơn thế, thậm chí lên tới trên 500 - 1.000km mỗi ngày.
Chính vì điều kiện vận hành khắc nghiệt, một số chi tiết trên xe khách cần được chú ý đặc biệt trong quá trình sử dụng và bảo dưỡng.
Chú ý đặc biệt khi bảo dưỡng khung gầm
Một chiếc xe khách cỡ nhỏ 16 chỗ phổ dụng nhất tại Việt Nam hiện nay là Ford Transit có trọng lượng không tải khoảng 2,5 tấn và trọng lượng toàn tải khoảng gần 4 tấn. Điều đó có nghĩa là mỗi chiếc lốp xe sẽ phải chịu tải lớn hơn rất nhiều so với xe du lịch. Ngoài ra, mặt đường bị nghiêng hoặc dốc, với bề mặt đường tiếp xúc với hai bên bánh xe khác nhau. Bánh trước cũng có thể mòn khác bánh sau do chịu áp lực lớn hơn trong các cú phanh.
Chính vì vậy, việc đảo lốp từ phía trước ra phía sau và từ phải qua trái (đảo lốp chéo) sau mỗi 20.000km sẽ có tác dụng cân bằng độ mòn đồng đều giữa các lốp xe. Việc này vừa đảm bảo tính năng vận hành xe (độ bám đường, thoát nước, quãng phanh…), vừa tiết kiệm chi phí. Cá biệt, lốp mòn không đều có thể dẫn tới tình trạng lệch xe khi phanh gấp.
Moay-ơ và vi-sai giúp xe vận hành trơn tru, êm ái và tiết kiệm nhiên liệu. Các chi tiết này cần được kiểm tra và bảo dưỡng ở các cấp bảo dưỡng lớn như 80.000km. Đặc biệt, vi-sai cũng như moay-ơ cần phải kín gần như tuyệt đối, không bị thất thoát dầu bôi trơn, không bị ngấm nước khi di chuyển dưới trời mưa lớn hoặc ngập sâu ở mức giới hạn.
Chú ý khi bảo dưỡng trang bị an toàn
Cũng giống như lốp xe, hệ thống phanh trên xe khách cũng hoạt động với áp lực rất lớn do chịu tải và cường độ làm việc cao. Ghi nhận thực tế cho thấy rằng đĩa phanh của xe du lịch thông thường có thể bền bỉ sau hàng chục năm sử dụng, nhưng rất nhiều xe khách bị mòn đĩa phanh tới mức cảnh báo nguy hiểm chỉ sau khoảng 3 – 4 năm sử dụng.
Các trường hợp mất phanh, bó phanh hoặc cháy phanh cũng xuất phát từ sự chủ quan của người sử dụng xe. Nếu mòn quá giới hạn, cộng với má phanh cũng đã mòn nhiều, piston phanh sẽ phải làm việc trong điều kiện bị đẩy ra quá giới hạn. Kết hợp với bụi bẩn, khả năng hồi của piston phanh sẽ rất kém, tăng nguy cơ bó phanh.
Ắc suốt phanh sau nhiều năm sử dụng có thể bị khô và hoen gỉ, khiến cùm phanh không thể dịch chuyển linh hoạt, dẫn đến tình trạng kẹt phanh, má phanh mòn không đều. Khi bảo dưỡng phải đặc biệt lưu ý chi tiết này, cần làm sạch và bôi mỡ đầy đủ.
Chú ý hệ thống cung cấp nhiên liệu
Chi tiết cần đặc biệt chú ý của hệ thống cung cấp nhiên liệu là hệ thống kim phun. Mặc dù được khuyến cáo thay lọc nhiên liệu ở mức 30.000km, nhưng ghi nhận thực tế cho thấy rất nhiều xe gặp vấn đề về kim phun do nhiên liệu bẩn.
Các biểu hiện xấu liên quan đến kim phun nhiên liệu mà người lái xe có thể cảm nhận được là xe bị yếu, tăng tốc kém, rung giật, thậm chí trường hợp nặng có thể chết máy dọc đường. Lý do là kim phun bị bẩn hoặc bị tắc một trong số các lỗ phun, khiến nhiên liệu không đủ hoặc phun không tơi, dẫn đến cháy không triệt để.
Các đường ống dẫn nhiên liệu cũng cần được kiểm tra kỹ để kịp thời phát hiện những hư hỏng bất thường như chuột cắn, nứt vỡ, tuột đầu nối…
Các hạng mục cần chú ý khác
Một số hạng mục quan trọng phải ghi nhớ như xích cam cần thay mới sau 120.000km. Nước làm mát động cơ cần được thay cứ sau khoảng 2 năm sử dụng. Dầu ly hợp cần thay thế sau khoảng 60.000km, trong khi dầu phanh cần được thay thế mỗi năm một lần.
Với một chiếc xe thương mại, điều quan trọng nhất là hiệu quả kinh tế. Việc tuân thủ quy trình bảo dưỡng định kỳ sẽ giúp tránh khỏi những hỏng hóc lớn bất thường, đồng thời tăng độ bền bỉ cho xe trong suốt thời gian được phép lưu hành.