Dù chỉ là chi tiết nhỏ trên tổng thể chiếc xe, lốp đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo khả năng vận hành ổn định cũng như độ an toàn của phương tiện. Ở thời điểm hiện tại, những cái tên như Cyber Car, Oxygene hay Eagle 360 Urban mới dừng lại ở dạng concept nhưng phần nào cho thấy tầm nhìn của các nhà sản xuất về một tương lai mà ở đó, lốp xe sẽ ngày càng thông minh.
Cyber Car - Công nghệ cho phép lốp xe “cất tiếng nói”
Tại Triển lãm Ôtô Geneva 2018, Pirelli đã ra mắt công nghệ Cyber Car có khả năng giúp lốp “giao tiếp” với hệ thống điện tử trên xe, cung cấp thông tin hữu ích về tình trạng vận hành của phương tiện.
Theo đó, mỗi lốp xe được trang bị một cảm biến cỡ nhỏ nặng chỉ vài gram. Nhiệm vụ của cảm biến là truyền tới giao diện điều khiển những dữ liệu quan trọng liên quan đến áp suất lốp, nhiệt độ bên trong hay độ sâu rãnh, cho phép can thiệp kịp thời nếu lốp được bơm quá căng hoặc quá non. Các hệ thống giám sát áp suất lốp xe không quá mới mẻ nhưng hệ thống Cyber Car của Pirelli muốn đưa chúng lên một tầm mới khi kết hợp cùng nhiều loại thông tin khác.
Với Cyber Car, các lốp xe có thể “giao tiếp” với phương tiện để kích hoạt hệ thống ABS hay hệ thống giám sát độ ổn định, đem đến cho khách hàng những chuyến đi an toàn hơn. Ở xe điện, lốp xe tích hợp công nghệ Cyber Car đóng vai trò cung cấp thông tin về trọng lượng xe, giúp tính toán phạm vi hoạt động một cách chính xác. Ngoài việc truyền thẳng đến hệ thống điện tử trên ôtô, các dữ liệu thu thập từ lốp còn được gửi lên Pirelli Cloud. Sau đó, người lái sẽ nhận tin nhắn thông báo qua một ứng dụng trên smartphone.
Lốp xe Goodyear có thể lọc không khí
Cũng trong khuôn khổ Triển lãm Ôtô Geneva 2018, Goodyear gây ấn tượng bằng ý tưởng lốp xe có thể làm sạch không khí khi di chuyển trên đường. Concept có tên gọi Oxygene sở hữu kết cấu độc đáo với một “hệ sinh thái” gồm các loại cây nhỏ ở bên trong thành lốp, tương tự rêu. Cấu trúc mở đi kèm hoa lốp thiết kế thông minh giúp bộ phận này hấp thụ, lưu thông độ ẩm và nước từ bề mặt đường. Đồng thời, cây xanh bên trong lốp sẽ hút C02 để bắt đầu quá trình quang hợp.
Sản phẩm của Goodyear sở hữu cấu trúc 3D trọng lượng nhẹ và được làm từ cao su tái chế. Đặc biệt, chúng không cần bơm hơi như các dòng lốp xe truyền thống, từ đó loại bỏ lo ngại về nguy cơ thủng lốp trên đường.
Goodyear tiết lộ: Oxygene còn biết “giao tiếp” với lốp xe trên các phương tiện khác và cơ sở hạ tầng thông qua công nghệ LiFi có tốc độ truyền nhanh gấp 100 lần sóng WiFi. Ngoài ra, chúng sẽ phát sáng để “ra hiệu” khi phương tiện rẽ hoặc phanh, thay thế côngg việc của đèn-xi nhan và đèn phanh “truyền thống”.
Lốp xe hình cầu di chuyển theo mọi hướng
Khoảng một năm trước khi đưa ra ý tưởng về Oxygene, hãng lốp Goodyear đã khiến những người có mặt tại Triển lãm Ôtô Geneva 2017 không thể không hiếu kỳ về loại lốp xe có hình dáng... khác người: Eagle 360 Urban. Lốp xe sản xuất theo công nghệ in 3D với thiết kế dạng cầu. Nhờ vậy mà những phương tiện sử dụng chúng có thể di chuyển linh hoạt theo mọi hướng.
Eagle 360 Urban tích hợp các cảm biến với nhiệm vụ thu thập dữ liệu về tình trạng đường xá. Nếu gặp đoạn đường ướt, hoa lốp sẽ tự động mềm ra để tăng độ bám. Ngược lại, bề mặt lốp sẽ cứng trở lại trong điều kiện đường khô ráo.
Những thông tin trên cũng được dùng để hỗ trợ một số tính năng trên phương tiện như cải thiện hiệu quả phanh. Eagle 360 Urban còn có thể gửi tín hiệu đến những chiếc xe kết nối khác, thông báo về sự thay đổi của tình trạng đường xá. Đó là chưa kể đến khả năng giám sát độ mòn và đưa ra gợi ý bảo dưỡng khi cần thiết.
Tuy nhiên, để sử dụng Eagle 360 phải là những chiếc ôtô khác biệt hoàn toàn so với xe hơi ngày nay bởi giữa lốp và phương tiện sẽ không có bất cứ sự kết nối cơ khí nào. Thay vào đó là công nghệ điện từ, đem đến cho hành khách những chuyến đi êm ái.
Ở thời điểm hiện tại, Eagle 360 vẫn trong quá trình thử nghiệm và chưa rõ thời điểm ra mắt thị trường.
Lốp xe Continental tự thay đổi áp suất
Không đứng ngoài cuộc đua, hãng Continental “trình làng” hai công nghệ mới giúp lốp xe có thể tự tăng giảm áp suất cũng như bề mặt tiếp xúc mặt đường với tên gọi ContiSense và ContiAdapt.
ContiSense bao gồm một loạt cảm biến được đưa vào các thành phần của lốp. Cảm biến đóng vai trò là máy đo nhiệt độ cùng độ mòn vân lốp. Khi một trong những chỉ số trên ra khỏi “vùng an toàn”, ngay lập tức hệ thống sẽ truyền cảnh báo đến tài xế thông qua các thiết bị điện tử trên phương tiện hoặc ứng dụng trên điện thoại thông minh.
ContiAdapt đi xa hơn với khả năng tự điều chỉnh áp suất, độ rộng của lốp sao cho phù hợp với từng điều kiện mặt đường như đường ướt, đường gồ ghề, đường trơn trượt hay đường thường. Đối với đường thường, những chiếc lốp bơm căng kết hợp diện tích tiếp xúc được thu hẹp góp phần giảm sức cản, cải thiện hiệu quả nhiên liệu. Ngược lại, mặt đường trơn trượt yêu cầu bề mặt tiếp xúc lớn hơn, áp suất lốp cũng cần giảm bớt để tăng độ bám, đảm bảo an toàn khi vận hành.
Đối với Continental, ContiSense và ContiAdapt đều là giải pháp hứa hẹn trong những năm tới, khi lốp xe cũng cần cải tiến để đáp ứng nhu cầu của kỷ nguyên điện khí hóa và xe tự lái.