Lốp (vỏ) là một trong những bộ phận cấu thành nên chiếc xe, nó khá đơn giản, ít người để ý nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Có thể nói, những chiếc lốp nhỏ bé đó đang cõng trên lưng sự an toàn của cả gia đình bạn. Rất nhiều người sử dụng xe có quan niệm rằng lốp thì có gì là quan trọng nhỉ, khi nào cảm thấy mòn thì thay thôi.
Hầu hết chủ phương tiện đều đưa xe ra xưởng cho thợ thay và việc chọn lốp cũng thường được giao phó luôn cho thợ. Dù vậy, có một chút kiến thức cơ bản về thuật ngữ của lốp sẽ giúp tránh được tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, lốp không phù hợp với xe, hoặc với điều kiện sử dụng.
Trên thành lốp thường có rất nhiều chữ và số thể hiện kích thước và chủng loại lốp. Ví dụ, trên lốp có dòng chữ, số P215/65R17, thì chữ P là viết tắt của “Passenger Vehicle”, tức là xe con 7 chỗ trở xuống. Nếu chữ P thay bằng LT, tức là lốp dành cho xe việt dã hạng nhẹ (Light Truck). Nếu chữ P thay bằng chữ C (Commercial) đây là loại lốp chuyên dùng cho xe dịch vụ chuyển hàng thương mại hoặc những chiếc xe tải hàng nặng.
Về các con số, 215 là bề rộng của lốp tính theo đơn vị millimét, còn các số thứ hai, 65, thể hiện tỷ số giữa độ cao thành lốp với độ rộng lốp. Trong trường hợp này, thành lốp bằng 65% bề rộng 215 mm của lốp.
Chữ R là viết tắt của Radial, thể hiện kết cấu lốp có bố toả tròn, để phân biệt với loại mành chéo (Bias). Lốp Radial thường dùng cho xe con vì phù hợp với mọi loại đường, còn lốp Bias thường dùng cho xe việt dã. Về cảm giác lái và hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu, loại lốp Bias “thua” lốp Radial.
Các con số cuối cùng, 17, chỉ đường kính inch của vành. Có một điểm không thống nhất ở đây là đơn vị đo. Trong khi các kích thước của lốp trên toàn thế giới được tính bằng đơn vị hệ mét thì đường kính vành xe lại được đo bằng inch.
Khi đi mua lốp, bạn cần biết cỡ lốp của xe. Lưu ý quan trọng nhất là nên chọn cỡ lốp sát với bề rộng lốp nguyên bản của xe. Nếu bạn thay bằng lốp lớn hơn quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến các bộ phận của hệ thống treo. Việc sử dụng loại lốp nhỏ hơn sẽ không đủ chịu tải và làm giảm độ bám đường của xe, khiến hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) hoạt động kém hiệu quả. Tốt nhất là dùng đúng kích thước như nguyên bản hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Tỷ lệ giữa độ cao thành lốp với độ rộng của lốp cũng rất quan trọng. Lốp có tỷ lệ này là 50 thì thành lốp thấp hơn loại 65, cho độ chính xác của hệ thống lái cao hơn, nhưng lại giảm độ êm của xe khi vào đường nhiều ổ gà. Trường hợp duy nhất nên thay đổi tỷ lệ này của lốp là vào mùa đông ở xứ lạnh, đồng thời cũng nên thay luôn đường kính vành bánh xe. Sử dụng lốp mùa đông có tỷ lệ thành lốp cao hơn sẽ giúp xe chạy êm hơn vào mùa đông.
Tuy nhiên, thành lốp cao cũng đồng nghĩa với lốp cao hơn, nên có thể không lắp vừa vào chắn bùn. Trong trường hợp này, bạn có thể thay loại vành xe nhỏ hơn một cỡ, ví dụ từ 17 xuống 16 inch, để kích thước cuả bánh xe về cơ bản vẫn như trước, nhưng xe chạy êm hơn.
Ngoài các thông tin cơ bản trên, thành lốp còn có nhiều ký hiệu khác, như tải trọng tối đa, áp suất lốp tối đa và tốc độ an toàn tối đa. Thông tin về tải trọng và áp suất khá dễ hiểu, còn tốc độ được quy ước bằng mã. Cụ thể, chữ T cho biết tốc độ tối đa cho phép của lốp là 190 km/h; chữ H tương ứng với 210 km/h; chữ V là 240 km/h; và chữ W là 270 km/h. Lốp chữ Z chưa được tiêu chuẩn hoá quốc tế mà tuỳ thuộc vào từng nhà sản xuất, nhưng ít nhất chịu được tốc độ tối đa như lốp V. Thông thường, chỉ cần lốp T là đủ để chạy trên đường cao tốc.
Ngoài các ký hiệu bằng chữ và số, trên một số lốp còn có biểu tượng núi (Mountain), cho biết đó là lốp có thể dùng cho mùa đông. Ở xứ lạnh, có hai loại lốp mùa đông: M&S dùng cho xe thường chạy trên đường nhiều bùn và tuyết (Mud & Snow), còn có biểu tượng bông tuyết bên trong núi thì đó là lốp dùng cho thời tiết có tuyết và băng.
Một số biểu tượng khác trên lốp là TL (viết tắt của tubless - lốp không xăm), SSR (Runflat tire - lốp runflat, cho phép xe chạy ở tốc độ cao thêm một quãng đường dài ngay cả khi lốp đã bị thủng, nhờ kết cấu thành lốp đặc biệt vững chắc)…
Ngoài việc thay lốp đúng chủng loại thì việc thay lốp đúng thời điểm cũng cực kỳ quan trọng. Hầu hết các hãng sản xuất đều đưa ra chỉ dẫn chủ xe nên thay lốp sau 5 đến 6 năm kể từ ngày sản xuất.
Trên thành lốp bao giờ cũng có 1 dãy mã số. Với 4 chữ số cuối cùng thì chỉ ngày tháng năm sản xuất ra chiếc lốp đó. Ví dụ nếu 4 chữ số cuối dãy là 2510, có nghĩa là lốp này xuất xưởng vào tuần thứ 25 của năm 2010. Như vậy, ở trường hợp chiếc lốp kể trên, tính từ ngày sản xuất tới thời điểm này (2016) đã sản xuất được 6 năm, dù ít sử dụng thì bạn cũng nên thay lốp mới vì tuổi thọ của cao su không còn đảm bảo nếu vượt quá thời gian này.
Khi quá hạn sử dụng có nghĩa là lốp đã mất hết những tính năng vốn có. Nhà sản xuất đã lường trước điều này và khuyên rằng kể cả những chiếc lốp mới không dùng mà chỉ cất trong kho nhưng đã hết hạn sử dụng thì xem như đã kết thúc vòng đời.
Ngoài ra, còn có một số kinh nghiệm thực tế cho thấy xe đi khoảng 4 – 5 vạn km là nên tính đến chuyện thay lốp. Tất nhiên, còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác như xe hay đi loại đường nào, thường xuyên đảo lốp hay không...
Trong quá trình sử dụng, chúng ta cũng có thể kiểm tra bằng mắt thường để phát hiện những sự cố tiềm ẩn trên lốp xe. Tiếp theo, nên kiểm tra áp suất hơi, rà xem có các vật nhọn đâm vào và làm thủng lốp xe không.
Ngay cả khi những vết chém không làm rò hơi nhưng vẫn có thể ẩn chứa nguy hiểm khi xe vận hành ở tốc độ cao. Hoặc vết nứt gây ra bởi những lỗ thủng nhỏ hơn có thể gây ra lỗ thủng to hơn hẳn và dẫn đến những sự cố khi xe đang đi trên đường.
Cũng nên thường xuyên kiểm tra độ mòn của gai trên lốp xe, thông thường rãnh của hoa lốp có độ sâu thấp nhất cho phép là 1,6 đến 2 mm; khi vượt quá giới hạn này, lốp sẽ không còn đảm bảo độ bám, độ thoát nước. Nhiều lốp có thanh chỉ định độ mòn gai được đúc trong rãnh dọc trên hoa lốp, khi gai bị mòn bằng mặt với vấu cao su chỉ định là đến lúc cần thay lốp xe mới. Bất kì biểu hiện nào những sự cố tiềm ẩn, hoặc nếu cảm thấy sẵn sàng thay lốp mới, hãy mang xe đến cửa hàng gần nơi bạn nhất.
Bên cạnh đó, cần cẩn thận mang xe đi kiểm tra khi lốp xuất hiện các dấu hiệu sau:
- Rạn nứt: việc để xe ở trong môi trường có nhiệt độ cao như trời nắng, để xe lâu ngày trong ga-ra, hoặc thay lốp để lâu trong kho đều dẫn đến tình trạng này.
- Lốp xuống hơi từ từ: bằng mắt thường bạn sẽ không thể biết nguyên nhân tại sao. Tuy nhiên, vì sự an toàn cho chính mình hãy đem xe đến cửa hàng lốp xử lý ngay khi phát hiện. Cố tình đi xe lốp non hơi có thế dẫn tới tình trạng vành dập thủng lốp khi xe rơi ổ gà với tốc độ cao.
- Rách: có thể không thấy dấu hiệu xuống hơi nhưng đây là một tiềm ẩn lớn của việc nổ lốp bất cứ lúc nào, vì áp suất hơi trong lốp luôn rất lớn. Trong điều kiện xe chạy tốc độ cao rất có thể dẫn tới nổ lốp gây nguy hiểm khi xe mất lái.
Trên đây là những kinh nghiệm của bản thân tôi, một người đã có nhiều năm lái xe và đảm nhận việc quản lý, theo dõi xe của đơn vị, tôi nhận thấy rằng cẩn thận không bao giờ thừa.
Trước mỗi chuyến đi, tôi luôn đi một vòng quanh xe, kiểm tra các chi tiết, đặc biệt là lốp xe. Chính sự cẩn thận này đã nhiều lần giúp tôi tránh được những rắc rối có thể xảy ra khi đi trên đường. Mong rằng những kinh nghiệm nhỏ mà tôi gửi tới các bạn sẽ hữu ích phần nào, chúc các bạn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và lái xe an toàn.
Tôi xin được kết thúc bài viết bằng mấy câu thơ sau :
Trăm năm trong cõi người ta
Xe to hay nhỏ đều là xe hơi
Cùng ta đi đến muôn nơi
Gia đình hạnh phúc, rạng ngời tình yêu
Ai ơi, xin nhớ một điều
Lốp xe càng tốt, tình yêu càng bền
Lên đường hãy nhớ đừng quên
Kiểm tra thật kỹ độ bền lốp xe