Tắt máy, xuống xe, hoàn thành cả quãng đường dài mà không có bất cứ lỗi lầm gì là cảm giác tuyệt vời mà lái mới nào cũng trải qua.
Dòng xe chậm chạp nhích từng bước một trên đường Nguyễn Chí Thanh hướng về ngã tư giao cắt Đê La Thành. Thấp thoáng phía trước một chiếc xe đôi lúc lại lồng lên, rồi lại phanh khựng lại một cách khá bất thường. Tiến lại gần thêm chút nữa, chợt thấy kính sau xe dán dòng chữ: “Lái mới, xin thông cảm”.
Phía trước là đoạn đường khá dốc, phải giữ khoảng cách với anh chàng này mới được, tôi tự nhủ. Đúng như dự đoán, tới gần ngã tư, đèn đỏ bật sáng, tôi cho xe dừng lại cách “đối tượng” vài mét để đảm bảo an toàn. Tuy vậy, có lẽ người tính không bằng giời tính, ba bốn chiếc xe máy lập tức điền vào chỗ trống.
Đèn xanh bật sáng, dòng xe chậm chạp tiến lên phía trước, riêng “đồng chí lái mới” sau vài giây lưỡng lự, khật khừ lại tính bài ... trôi về phía sau, không ổn rồi, xe trôi vào một trong số những “nhà toán học điền vào ô trống” lúc trước, tiếng người la lên, tiếng còi xe vang rền một đoạn đường. Chú “lính mới” càng cuống hơn, xe lại tiếp tục trôi ... và rồi nó đã dừng lại, ... tiến lên phía trước, ơn giời chiếc xe đã qua được ngã tư, hoàn thành “bài thi đề pa lưng chừng dốc”...
Nhớ về ký ức của 18 năm về trước, về “lần đầu tiên làm chuyện ấy – lái xe một mình trên phố”. Thủa ấy, Hà Nội đường phố vắng hơn bây giờ rất nhiều, lác đác trên phố vài chiếc ôtô, còn lại là xe máy, xe đạp. Vừa lấy xong tấm bằng B2, mới tốt nghiệp đại học nên chưa có điều kiện mua xe nhưng vì quá háo hức muốn ‘kiểm tra năng lực bản thân” nên tôi mượn chiếc U- oát “đời Tống” để “rửa bằng”. Sau vài lần đề khởi động, chiếc xe rùng mình, rung bần bật, những tiếng nổ giòn tan vang lên, khói mù trời ... đầy phấn khích.
Bình tĩnh nào, ôn lại lý thuyết, những lời thày dạy như vang lên trong đầu: “Côn ra, ga vào”, chiếc xe gầm lên như con thú trúng đạn rồi khựng lại, chết máy. Côn ga chưa hợp lý rồi, chiếc xe này côn sâu hơn cái xe thi lấy bằng. Kiên nhẫn làm lại lần nữa, chiếc xe lại gầm lên, bụi sau xe cuốn lên mù mịt, sau một thoáng “rùng mình”, “con thú” của tôi đã tiến lên phía trước.
Làm được rồi, tôi hét lên đầy phấn khích. Lại ôn lại lý thuyết, “tăng số thì phải lấy đà, về số thì phải vù ga giữa chừng”. Có lẽ đọc đến đây nhiều người tự hỏi: “vù ga giữa chừng” là thế nào nhỉ? Vậy thì tôi lại phải giải thích thêm một chút, cái xe ngày xưa nó thô sơ lắm, hộp số chưa có bộ đồng tốc hiện đại như bây giờ nên kỹ năng lái là rất quan trọng, khi đó phải sử dụng “côn kép”, thứ tự là: đạp côn, về mo, lại đạp côn, chuyển số. Chính vì cái sự phức tạp này mà phải mất một hồi làm quen, hết “đấm” lại “đạp” tôi mới tạm thời “thuần hoá” được “con mãnh thú U- oát” cổ lỗ sỹ đó.
Khi đã quen chân, quen tay, mới thấy tự tin lên rất nhiều, cho xe chạy chầm chậm, lòng vòng qua các con phố, rẽ vào đường Thanh Niên tận hưởng gió lộng của Hồ Tây, hướng lên đường Nghi Tàm, Quảng Bá. Đang ngon trớn thì một chiếc xe máy tạt đầu ngay chân dốc, tôi phanh cái rụp, xe khựng lại, chết máy. Vậy là đã tới lúc thực hành bài “đề pa ngang dốc”, với “ông cụ U-oát” này lại là lính mới nên phải mất mấy lần “rùng mình, dậm vó, gào rống” chiếc xe mới lên được đỉnh dốc...
Sau mấy tiếng đồng hồ “thử tay nghề” tôi đã về tới điểm xuất phát để trả xe, phía trước là “phần thi lùi chuồng”, lại ôn lại lý thuyết của thày cái đã “tiến bám lưng, lùi bám bụng”, chọn vị trí thuận lợi, tiến lên, lùi xuống vài đỏ, chiếc xe đã nằm gọn trong gara. Thở phào tắt máy, mở cửa xe bước ra lòng đầy tự hào, cuối cùng mình đã làm được rồi, “khuất phục” được “con mãnh thú’ này thì còn sợ gì nữa.
Anh chị em lái mới thân mến, mọi người ai cũng phải trải qua “lần đầu” đầy gian khó, hãy tự tin lên các bạn. Hãy chăm chỉ học, ghi nhớ kinh nghiệm của thày giáo, kiên nhẫn tập luyện là các bạn sẽ tự lái xe được thôi. Chúc các bạn “lính mới” có được “lần đầu tiên” thật hoàn hảo và những lần sau thật an toàn!