Hệ thống tín hiệu giao thông ở Việt Nam cần minh bạch, mỗi đoạn đường cần cắm đủ các loại biển báo cần thiết.
Đồng tình với tác giả bài "Nên dùng biển báo giới hạn tốc độ thay biển báo đô thị". Chúng ta cần nhìn nhận lại việc tổ chức giao thông.
Không nên dùng một biển báo để thay thế cho các loại biển báo khác, không riêng gì biển báo giới hạn tốc độ. Hệ thống tín hiệu giao thông phải minh bạch, rõ ràng và tạo tâm lý thoải mái cho lái xe.
Hệ thống tín hiệu không rõ ràng, hoặc buộc lái xe phải ghi nhớ nhiều, suy luận, phỏng đoán... sẽ làm phân tâm và ảnh hưởng tới an toàn. Trên cùng con đường, mỗi đoạn đường cần cắm đủ các loại biển báo cần thiết:
- Một đoạn đường là phần đường giới hạn bởi 2 chỗ giao cắt liên tiếp với các đường khác;
- Nếu đoạn đường quá dài thì cần đặt thêm các biển báo giống với đầu đường để nhắc nhở lái xe;
- Ngoài biển báo giới hạn tốc độ, còn phải cắm các loại biển báo cần thiết khác như: cấm xe tải, cấm đỗ cấm dừng, cấm quay đầu chữ U, thông báo có trường học, bệnh viện, chợ búa...
- Chỗ nào có trạm cảnh sát, có radar hoặc camera theo dõi... cũng phải thông báo rõ ràng;
- Khi đoạn đường bị ngăn một phần hoặc toàn bộ để phục vụ xây dựng, sửa chữa... hoặc có lễ hội, sự kiện... thì cần có cảnh báo ở đầu đoạn đường, đồng thời có hệ thống chỉ dẫn rõ ràng về cách đi đường vòng tránh;
- Hệ thống tín hiệu giao thông còn phải vẽ trên các phương tiện giao thông đặc biệt khác. Ví dụ: phía thành sau xe bus cần viết, vẽ các tín hiệu ưu tiên để các xe khác không chen lấn làn xe bus; xe cứu thương cần được giữ khoảng cách 2-3 mét; xe buýt chở học sinh cần có màu vàng để dễ nhận biết và có hiệ thống biển "Dừng lại" (giống như ở nước ngoài) để đảm bảo an toàn mỗi khi học sinh lên xuống xe.
- Cách đặt tên đường hiện nay cũng là vấn đề rắc rối. Cùng con đường, nhưng mỗi một đoạn chừng vài trăm mét lại có tên gọi khác nhau, thành ra trên một con đường thẳng đi qua thành phố thì có tới 5-7 tên khác nhau, rất khó cho việc xác định phương hướng và định hình hành trình một cách hiệu quả.
Ví dụ, trục đường quốc lộ 6: Yên Nghĩa - Trần Đăng Ninh - Quang Trung - Nguyễn Trãi - Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng - Chu Văn An... cùng là một con đường nhưng người dân phải nhớ tới 8 cái tên khác nhau.
Khi đứng ở một địa chỉ thì rất khó định vị được mình đang ở chỗ nào trong thành phố. Muốn đi tới Tây Sơn mà đang ở Tôn Đức Thắng, đôi khi không xác định được là cần phải đi theo hướng nào, vì đâu phải lúc nào cũng nhớ thứ tự các đoạn đường.
Đi lại ở Hà Nội rất khó vì đường nhỏ, các con đường chạy xiên chéo nhau chứ không vuông vắn bàn cờ như Đà Nẵng, và tên đường phố ở Hà Nội quả là thách đố, hiểm hóc,bổ sung vào sự rối rắm của bản đồ Hà Nội.
Nếu như mỗi con đường chạy ngang qua thành phố chỉ có một cái tên, thì chỉ cần nêu số nhà là ai cũng hình dung được vị trí và lộ trình.
* Trên đường cao tốc cũng cần có các biển báo tốc độ nhắc nhở lái xe. Vì trên cao tốc khó tiếp cận với các trợ giúp kỹ thuật khi có sự cố; không có nhiều chỗ rẽ để tránh nên tắc nghẽn trên cao tốc sẽ ảnh hưởng tới nhiều người. Do đó, cần có các dịch vụ cứu hộ giao thông bắt buộc cho cao tốc chứ không cần đợi lái xe tự gọi cứu hộ giao thông.
* Cùng với sự phát triển của hệ thống giao thông và các phương tiện giao thông, các sở giao thông nên phát triển dịch vụ cứu hộ giao thông. Dịch vụ này giúp tránh ùn tắc, lại giải quyết sự cố nhanh chóng cho lái xe. Theo đó, lái xe mua dịch vụ kiểu như mua bảo hiểm, chẳng hạn giá một triệu/năm.
Dịch vụ này cung cấp đội xe kéo, xử lý các sự cố đơn giản như ắc quy hết điện, cấp lượng xăng nho nhỏ... Trong thời gian sử dụng dịch vụ, xe hỏng giữa đường được kéo về garage, được kích điện ắc quy, được cấp xăng... một số lần nhất định. Quá số lần đó hoặc không mua dịch vụ thì phải trả theo mỗi lần gọi dịch vụ theo giá thị trường.
* Trên các tuyến đường dài, các sở giao thông nên quy hoạch các điểm dừng chân nằm cách xa đường. Tại các điểm này có đủ các dịch vụ cơ bản: bán xăng, sửa chữa đơn giản, quán nước để lái xe nghỉ ngơi lấy sức, quán ăn để lái xe và hành khách ăn uống.
Tóm lại, cần xác định rõ quan điểm: đường quốc lộ, tỉnh lộ là để phục vụ giao thông chứ không nhằm phục vụ mua bán, ăn nghỉ. Các dịch vụ mua bán, ăn nghỉ... chỉ nhằm phục vụ sự tiện lợi cho giao thông mà thôi.
Việc tự phát các cây xăng, quán ăn... một cách thiếu khoa học dọc đường sẽ khiến giao thông mất an toàn, không hiệu quả. Nghe nói bên Campuchia đã phát triển các mô hình này, rất thuận tiện cho lái xe và hành khách. Ngoài các điểm dừng chân, nên cấm xe tải, xe khách dừng ở các quán nước, quán ăn dọc đường không trong quy hoạch đó... vì phần lớn các điểm này nằm sát bên lề đường và nằm rải rác nên gây cản trở mỗi khi xe vào ra, hành khách đôi khi lang thang ở vệ đường hoặc băng ngang đường sang quán đối diện gây mất an toàn.
Kết luận chung: cần thay đổi căn bản quan niệm về giao thông, sao cho mọi công trình giao thông đều nhằm thuận lợi và an toàn cho lái xe và hành khách. Cần phát triển các dịch vụ tiện ích một cách hợp lý nhằm phục vụ cho giao thông nhưng không nên sa đà vào việc thu lợi nhuận từ các tiện ích đó.