Ngày 11/3 mục Xe của VnExpress đăng bài chia sẻ của tôi về “kinh nghiệm tránh đạp nhầm ga của tài xế Việt”. Tuy nhiên có những bình luận trái ngược về cách để sử dụng chân phải để điều khiển ga và phanh. Vậy tôi xin chia sẻ kiến thức thêm về vấn đề này.
Kiến thức được tham khảo từ trang web của Cục an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA – National Highway Traffic Safety Administration). Đây là kiến thức chính thống, có cơ sở khoa học với rất nhiều nghiên cứu, cùng kinh nghiệm ở một đất nước có gần 200 năm phát triển công nghiệp ôtô.
1. Luôn để gót chân phải dưới bàn đạp phanh.
|
Tư thế đạp ga đúng.
|
Chỉ được phép và tạo phản xạ điều khiển bàn đạp ga và phanh cùng bằng bàn chân phải. Trên xe số tự động không có côn, tuyệt đối không sử dụng chân trái đạp phanh, chân phải đạp ga.
Ngay từ khi học lái phải tập thành thói quen luôn để gót chân phải trên sàn xe, bên dưới bàn đạp phanh. Khi đạp ga, xoay bàn chân qua phải, chỉ đạp nửa bàn chân lên bàn đạp ga.
|
Tư thế đạp phanh đúng.
|
Khi phanh, bàn chân xoay thẳng về vị trí phanh và đạp thẳng theo phản ứng tự nhiên. Trừ trường hợp khẩn cấp, nên cố gắng tập thành thói quen không đạp phanh gấp. Khi rời chân ga hãy rà ngay chân phanh và đạp phanh khi dừng xe. Điều này sẽ củng cố trí nhớ cho cơ bắp tạo thành phản xạ tự nhiên, tránh được nhầm lẫn.
|
Tư thế đạp ga sai.
|
Không được để gót chân phải quá gần hoặc thẳng bàn đạp ga. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì về mặt phản xạ tự nhiên (không có điều kiện), bàn chân sẽ xoay thẳng và duỗi khi có kích thích đột ngột. Nếu chân phải để ở tư thế như gần chân ga, gặp sự cố là bàn chân sẽ đạp thẳng vào ga và đương nhiên tai nạn xảy ra.
2. Tình huống dễ đạp nhầm
Nhầm lẫn chân ga với chân phanh thường xảy ra ở bãi đỗ xe và ở giao lộ, vì thế hãy điều khiển xe từ tốn và cẩn thận ở những nơi này.
3. Đi giày nhẹ, đế mỏng
Giày dép có thể ảnh hưởng đến khả năng điều khiển xe. Đi chân trần có thể khiến bạn đau chân khi lái xe lâu dài. Dép trơn khiến bàn chân có thể bị tuột ra khỏi dép, nhất là đối với những người đổ mồ hôi chân. Giày bốt có cổ dài và cứng làm hạn chế cử động cổ chân. Giày cao gót mặt tiếp xúc bé, có thể trượt chân ra khỏi bàn đạp.
Nên đi giày nhẹ đế mỏng hay dép có quai hậu (sandal) khi điều khiển xe. Nếu bạn có thói quen đi bốt hay giày cao gót, hãy để sẵn trong xe một đôi giày đế mỏng để mang khi lái.
Chúc mọi người an toàn trên mọi nẻo đường và hãy lái xe bằng cả trái tim.