Đọc qua một số bài viết “Việt Nam đánh thuế ôtô cao là đúng”, “Ôtô giảm giá sẽ khiến người Việt thêm gánh nặng” tác giả của những bài viết đó có cái nhìn thiển cận và tư duy lạc hậu.
Tại sao ư? Vì họ là những típ người thuộc dạng chuyên khai quật những cái sai của người khác rồi nhìn vào mà chỉ trích. Tự nhận mình là người phán xử rồi áp đặt quan điểm của mình lên trên, họ mải mê chỉ trích dẫn đến không suy nghĩ vấn đề đó liệu có hoàn toàn sai, hay liệu vấn đề đó còn có mặt tốt của nó. Vấn đề đó vì sao lại sai và sai ở chỗ nào?
Họ thừa biết cái cảm giác ngồi trên xe máy những khi trời nóng như đổ lửa mà bịt mặt bịt mũi, cháy da cháy thịt sẽ như nào. Rồi những ngày mùa đông với cái lạnh tê tái cắt da cắt thị trùm mấy lớp áo mà người vẫn run cầm cập. Rồi những cơn mưa bất chợt người ướt không còn chỗ nào để ướt, hay những ngày mưa tầm mưa tã ra đường đùm đùm bọc bọc mấy lớp áo mưa mà quần áo vẩn ẩm ướt lấm lem. Rồi những khi di chuyển trên đường, đưa con đi học nắng thì nóng, bụi thì mù trời, mưa thì trơn trượt bẩn thỉu nhem nhuốc.
Họ cũng thừa biết cái cảm giác mà khi đi xe máy nhỡ có va chạm không cần tốc độ cao, chỉ cần tầm 40-50 km/h thôi, cái cảm giác va mặt va người vào bê tông cốt thép hoặc va vào sắt thép của những xe khác nó sẽ như thế nào. Nhẹ thì bầm dập, nặng thì què tay què chân, nặng nữa thì chấn thương sọ não.
Họ cũng thừa biết cái cảm giác khi nhà có công có việc đột xuất mà cần gọi xe nó sốt ruột, lệ thuộc người khác và không chủ động như thế nào. Họ cũng thừa biết cái cảm giác khi di chuyển trên những chiếc xe khách, xe buýt bị nhồi nhét, hôi hám, trộm cắp, móc túi, chèn ép khách, lòng vòng đón khách, phóng nhanh vượt ẩu nó sẽ như thế nào. Và còn rất rất nhiều cái họ thừa biết nữa mà trong nội dung bài này không thể kể hết ra.
Ấy vậy mà quan điểm mặt hại của ôtô của họ chắc gì đã đúng? Hoặc có thể hiểu chưa đúng mà hay thích đi lo chuyện bao đồng vĩ mô? Tôi có thể đưa ra một số luận điểm như sau:
1. Hạn chế nhập siêu ôtô?
Xét về kinh tế thị trường không chỉ riêng nước mình mà tất cả nước khác là cái gì cần thiết mà không sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng với chi phí cao thì đương nhiên ta phải nhập khẩu. Con đường mà các nước trên thế giới đã đi là phải làm sao nâng cao các sản phẩm thế mạnh của mình để giá trị cao, tạo ra lợi thế để xuất khẩu đi càng nhiều nước càng tốt. Ví dụ như bằng cách tạo ra các đặc khu kinh tế, các khu công nghệ cao.
Các khu kinh tế mà thế mạnh là các sản phẩm đặc trưng vùng miền, tạo điều kiện cả về cơ chế lẫn chính sách để phát triển xuất khẩu. Và là con đường của chính phủ Việt Nam đang đi, lúc đó cán cân thương mại sẽ được cân bằng.
2. Phát triển công nghiệp sản xuất ôtô trong nước?
Quan trọng vẫn là phải giảm thuế, sẽ chẳng có một công ty hay tập đoàn nào đầu tư hoặc mở rộng vào Việt Nam với dung lượng thị trường bé và có quá nhiều hãng cạnh tranh nếu như thuế phí vào một chiếc xe vẫn quá tầm với so với đa số người. Công ty hay tập đoàn, người ta cũng là kinh doanh nghĩa là phải có lợi nhuận mới làm chứ không phải công ty từ thiện.
Tiềm năng về quy mô dân số rất lớn với hơn 90 triệu dân, nhưng xét về GDP thì có hơn 2.000 USD/năm mà thuế phí vào một chiếc xe quá cao, xa tầm với đại đa số người Việt. Dung lượng thì trường bé không ai đầu tư nhiều nên công nghiệp ôtô vẫn dậm chân tại chỗ sau hơn 20 năm.
Chỉ cần thuế xe giảm vừa với tầm tay người Việt với quy mô dân số như vậy tự khắc các hãng sẽ đồng tư không cần mời chào. Như trong năm 2017 này, Chính phủ có kế hoạch giảm thuế linh kiện và TTĐB với phần giá trị tạo ra trong nước nên Trường Hải, Thành Công, và mới đây là VinFast tự khắc đầu tư mở rộng sản xuất lắp ráp xe hơi.
3. Cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng?
Nói hẹp hơn một chút là chỉ có hạ tầng giao thông ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TP HCM là không đáp ứng. Còn ở các tỉnh, nếu như số lượng ôtô tăng gấp 3-4 lần vẫn đáp ứng được nhé vì chỉ có 16 xe/1.000 dân, tỷ lệ quá ít. Không thể chỉ vì hai thành phố lớn ùn tắc mà các tỉnh còn lại phải chịu thiệt.
Chắc chắn trong thời gian tới 2 thành phố này sẽ có kế hoạc giảm ùn tắc khi lượng xe tăng như đi theo chẵn lẻ, cấm theo giờ, cấm theo tuyến phố,... như một số TP lớn trên thế giới áp dụng. Thuế xe thu là vậy đâu phải chỉ dùng cho mỗi làm đường?
Chung quy lại cũng là do phân bổ nguồn lực không đều, kinh phí cho giao thông còn ít, bên cạnh đó suất đầu tư cho một km đường ở Việt Nam quá lớn so với các nước khác. Vậy nên mấy năm trở lại đây chính phủ có chương trình làm đường theo kế hoạch B.O.T (xây đựng, vận hành, chuyển giao) mặc dù chưa được hài hòa nhưng là một bước tiến rất lớn của chính phủ. Càng ngày có nhiều con đường làm mới, mở rộng để đáp ứng cơ sở hạ tầng.
Nếu như đánh thuế ôtô càng cao, xe càng ít thì chả ai dại gì đầu tư B.O.T cả thì hạ tầng không bao giờ được cải thiện.
4. Nhiều ôtô tăng gánh nặng giao thông?
Có nhiều phương tiện tham gia giao thông mới nghĩ ra cách để mở rộng và làm thêm đường, mà muốn có nhiều phương tiện giao thông thì phải giảm thuế. Ngày xưa đi bộ chỉ cần đường đất, đến thời đi xe đạp, xe máy mới có đường bê tông, đường nhựa mà đi âu cũng là quy luật cả thôi.
Áp lực lớn mới có động lực nghĩ ra cái mới ví dụ như và thêm nhiều phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện... B.O.T. Sau này nếu lưu lượng giao thông lớn hơn nữa sẽ có nhiều cái nữa tương tự như tuyến tàu điện metro, buýt nhanh BRT.
Giờ mà đường toàn xe máy, xe thô sơ thì chả ai nghĩ cách để mở rộng, làm mới đường để làm gì cả và cũng chả bao giờ mơ được đi những tuyến tàu điện hay buýt nhanh cả. Nhưng khi toàn ôtô chắc chắn sẽ phải nghĩ cách mở rộng, làm mới, như Trung Quốc là một ví dụ. Mạng lưới đường quốc lộ, cao tốc, tàu cao tốc, tàu điện,... chỉ được mở rộng trong khoảng 20 năm trở lại đây thôi. Vì 20 năm trở lại đây mới có khái niệm ôtô hóa ở Trung Quốc, giờ mạng lưới đường bộ bên đó phát triển quá nhanh và nhiều, là nước có tỷ lệ km đường lớn nhất thế giới vượt cả Mỹ.
5. Nhiều ôtô tăng khí thải?
Có ai dám khẳng định nếu mình không mua ôtô thì sẽ đi bộ hoặc đi phương tiện công cộng cả đời? Câu trả lời là không. Theo lộ trình, ôtô ở Việt Nam phải đạt chuẩn khí thải Euro 4 mới được bán và tiến tới chuẩn khí thải còn cao hơn nữa. Ttheo các chuyên gia khí thải, xe máy còn độc hại hơn ôtô vì xe máy công nghệ thấp đốt cháy nhiên liệu không hết dẫn đến lãng phí và ô nhiễm môi trường hơn.
Và cái cực kì quan trọng nữa là theo phong tục người Việt Nam, khi ra khỏi nhà mấy chục mét cũng leo lên xe máy. Vì xe máy rất cơ động, luồn lách mọi ngõ ngách chứ ít người đi bộ lắm. Đại đa phần người Việt rất lười và tôi cũng nằm trong số đó, nhưng khi chuyển sang đi ôtô lại không như vậy vì đánh được cái ôtô ra để đi đoạn đường ngắn rất bất tiện đi bộ còn hơn.
Thêm vào nữa nếu phương tiện công cộng phát triển tốt thì đi những đoạn đường vài km mà thuận tiện thì chắc chắn đại đa số sẽ đi tàu điện hoặc xe điện như một số nước phát triển. Nếu giao thông công cộng tốt và tiện thì chắc chắn nhiều người đi gần sẽ dùng phương tiện công cộng trong đó có cả tôi.
Vậy, đi xe máy hay ôtô sẽ gây lãng phí và ô nhiễm môi trường hơn?
6. Ôtô giảm giá sẽ khiến người Việt thêm gánh nặng?
Xin thưa là gánh nặng hay không là quyền của mỗi người không cần người khác lo hộ. Theo luật thì đủ 18 tuổi mới được cấp bằng lái ôtô, vậy những người từ 18 tuổi trở lên mới lái, vậy gọi nôm là là người lớn rồi. Người ta cũng tự biết cân nhắc thiệt hơn rồi.
Người ta cũng biết tự cân nhắc khi sở hữu ôtô, nuôi xe vừa tầm trong khoản thu nhập, mà nếu có dại đi chăng nữa khi không nuôi được xe người ta cũng sẽ tự khắc bán đi, chứ chả có ai dại nuôi xe quá khả năng mà vẫn vay tiền để duy trì xe cả. Tóm lại một số người đừng áp đặt suy nghĩ hiển cận của mình cho những người khác