Mặc dù trên thị trường đã xuất hiện những chiếc ô tô “made in Vietnam” đầu tiên, thế nhưng giấc mơ về một ngành công nghiệp ô tô mũi nhọn, phát triển mạnh mẽ với tỷ lệ nội địa hóa cao vẫn còn khá mờ mịt khi mà hiện nay ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa có sự đột phá.
Có thể nói, trong thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam gồm cả doanh nghiệp (DN) FDI và DN trong nước đã đạt được những thành tựu nhất định. Mới đây, sự kiện Vinfast cho ra đời những sản phẩm xe hơi Việt đầu tiên được đánh giá là đã tạo một bước ngoặt lớn cho ngành công nghiệp ô tô nước nhà, cho thấy những nỗ lực của DN Việt Nam trong việc hiện thực hóa giấc mơ “ô tô Việt” của người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế là, chúng ta vẫn chưa thể đạt được mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp ô tô như kỳ vọng.
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, hiện nay cả nước mới chỉ có 358 DN sản xuất thuộc ngành sản xuất ô tô. Trong đó, chỉ có 50 DN lắp ráp ô tô, 45 DN sản xuất khung gầm, thân xe và thùng xe, 214 DN sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô… Đây là một con số khiêm tốn hơn rất nhiều so với con số 2.500 DN sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô ở Thái Lan. Và vấn đề đáng quan tâm hơn, đó là tỷ lệ nội địa hoá các linh, phụ kiện ô tô tại Việt Nam vẫn rất thấp. Cụ thể, đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi, tỷ lệ nội địa hóa đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, đây là con số “khiêm tốn” hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra.
Mặc dù tỷ lệ nội địa hoá thấp, nhưng phần lớn các phụ tùng, linh kiện này cũng chủ yếu được sản xuất và nhập khẩu bởi những DN FDI. Tỷ lệ đặt hàng phụ tùng linh kiện từ DN nội địa cung cấp cũng không mấy khả quan. Thực tế này tất yếu kéo theo tình trạng chậm phát triển của các DN công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô của Việt Nam. Theo ông Lương Đức Toàn - Phó Trưởng phòng Phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo, trong số các DN cung cấp hiện có, hơn 90% là DN FDI, chỉ có số ít DN trong nước có thể tham gia vào mạng lưới của DN cung cấp cho các DN sản xuất lắp ráp ô tô ở Việt Nam. Mặt khác, những mặt hàng mà DN Việt sản xuất vẫn bị hạn chế về chủng loại và số lượng. Những phụ tùng, linh kiện ô tô hầu như mới chỉ ở được sản xuất ở mức độ đơn giản, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng đều thấp.
Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ
Nhận định về những nguyên do khiến cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chưa thể phát triển nhanh, mạnh, bứt phá để trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, ông Shinjiro Kajikawa - Phó Giám đốc Toyota Việt Nam, nêu ra hai nguyên nhân chính: Thứ nhất, bất ổn về chính sách khiến các nhà đầu tư do dự khi đầu tư vào Việt Nam. Thứ hai, quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn quá nhỏ (thấp nhất trong 5 nước có ngành công nghiệp ô tô tại ASEAN, bằng 1/10 quy mô thị trường ô tô của Thái Lan và 1/4 của Indonesia), trong khi đây lại là một trong những ngành công nghiệp phát triển chủ yếu dựa vào lợi thế quy mô. Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác nữa khiến cho sự phát triển ngành ô tô thêm phần “bế tắc”, đó là ngành công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô phát triển chưa xứng tầm…
Dù giấc mơ phát triển ngành ô tô trở thành ngành mũi nhọn, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa chưa thể trở thành hiện thực song, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, chúng ta vẫn cần phải tiếp tục tháo gỡ những rào cản để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp này, không thể để một ngành sau nhiều năm vẫn ở tình trạng ì ạch, dậm chân tại chỗ. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần đưa ra những chính sách nhằm hỗ trợ , khuyến khích các nhà cung cấp và sản xuất các thiết bị ô tô trong nước.
Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), những rào cản, bất cập của ngành này không phải là vấn đề mới. Chúng ta đã nói đến rất nhiều. Việc cần làm hiện nay là phải tháo gỡ rào cản đó ra sao. “Chúng ta đưa ra nhiều chính sách, các gói hỗ trợ DN, nhưng lại chưa đánh giá về tính hiệu quả. Điều quan trọng hiện nay là phải có chính sách cụ thể hỗ trợ đúng trọng tâm và thực thi một cách hiệu quả những chính sách này” – bà Tuệ Anh nhấn mạnh.