Trong khi có ý kiến quan ngại lại thêm rào cản với sản phẩm ô tô thì cũng có không ít người cho rằng, những quy định này là cần thiết, nhưng nó sẽ chỉ có hiệu quả nếu là biện pháp phòng vệ chính đáng.
Tạo “sân chơi”, không phải cấm
Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung phụ lục 4 Luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mới đây, Chính phủ đề nghị bổ sung thêm sản xuất, lắp ráp, NK, kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Đại diện cho cơ quan soạn thảo dự án Luật là Bộ KH&ĐT giải thích, việc NK ô tô vẫn sẽ phải theo điều kiện giống như trong Thông tư 20/2011/TT – BCT của Bộ Công Thương, tức là các DN chỉ được NK ô tô có giấy ủy quyền chính hãng và có đầy đủ hệ thống bảo trì, bảo dưỡng xe. Mặc dù từ khi ra đời đến nay, đã có không ít tranh cãi xung quanh Thông tư 20, thậm chí nhiều DN cho rằng thông tư này khiến nhiều DN NK ô tô phải đóng cửa hoặc chuyển sang kinh doanh ô tô cũ, nhưng việc đưa kinh doanh ô tô vào ngành kinh doanh có điều kiện là nhằm đảm bảo an toàn cho xã hội, cho thị trường ô tô.
|
Sản xuất ô tô tại Công ty CP Hyundai Thành Công Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải
|
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, ô tô được xem là mặt hàng công nghệ cao nên yêu cầu sử dụng, vận hành cũng như bảo dưỡng, bảo hành phải tuân thủ quy định của nhà sản xuất. “Nếu để cho các cơ sở tự do kinh doanh ô tô, chúng ta chỉ tạo ra được mỗi cửa hàng 10 nhân viên bán hàng, một số xưởng sửa chữa không có tay nghề. Chúng ta không thể tạo ra được hệ thống công nhân có tay nghề, có trình độ. Chính vì thế, với trách nhiệm là cơ quan soạn dự thảo sửa đổi nội dung quy định này, Bộ KH&ĐT đã cân nhắc các yếu tố tác động, không chịu bất kỳ áp lực chi phối nào và luôn đặt nguyên tắc lợi ích chung lên trên hết. Chúng tôi khẳng định không cấm cũng như không hạn chế quyền tự do kinh doanh của mọi người, mà cơ quan Nhà nước chỉ là đặt điều kiện, yêu cầu người dân, DN phải đáp ứng” – ông Đông chia sẻ và cho biết, các điều kiện đó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và cả nền kinh tế.
Liệu có phải là “giấy phép con” làm khó DN?
Trước kiến nghị bổ sung thêm sản xuất, lắp ráp, NK, kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản dài 16 trang gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, VCCI nhấn mạnh, bảo hành, bảo dưỡng ô tô là dịch vụ thường đi kèm với dịch vụ bán hàng hoặc sản xuất ô tô và trong quan hệ này, trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm thuộc về nhà sản xuất là chủ yếu chứ không phải là người bảo hành, bảo dưỡng. Vì vậy, việc xem hoạt động bảo hành, bảo dưỡng ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện là rất bất hợp lý. Vì lý do trên, VCCI đề nghị bỏ “Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô” ra khỏi Danh mục Luật Đầu tư sửa đổi. Luật sư Trần Hữu Huỳnh (VCCI) cũng nhấn mạnh, nếu càng có nhiều điều kiện kinh doanh, DN sẽ càng nhỏ lại. Cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là hãy cho họ quyền được lựa chọn. Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Hùng – Giám đốc Công ty thương mại Kylin thông tin, sau hơn 5 năm thực hiện Thông tư 20, từ 2.000 DN kinh doanh ô tô hiện chỉ còn lại 20 DN, và chủ yếu là kinh doanh ô tô cũ.
Trên hết vẫn là lợi ích chung
Nhìn vào những tranh cãi hiện nay, có thể nhiều người cho rằng đó là cuộc chiến giữa DN NK và DN sản xuất ô tô trong nước, nhưng dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, đó là sự cân nhắc giữa các lợi ích mà trên hết là lợi ích quốc gia. Trong khi việc phát triển kinh tế theo chiều rộng thời gian qua đã tới hạn thì hiện đã đến lúc quan tâm nhiều hơn đến phát triển theo chiều sâu. Trong số nhiều ngành công nghiệp được lựa chọn phát triển theo hướng này, ngành công nghiệp ô tô trong nước là ngành được đánh giá có nhiều lợi thế để phát triển. Tuy ngành này đóng góp 2% GDP của Việt Nam, tạo ra 100.000 việc làm cho lao động, đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng tiền ngân sách, nhưng về tương lai, với hơn 90 triệu dân, Việt Nam là thị trường mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng muốn tham gia. Chẳng lẽ chúng ta buông? Trong khi đó, ngay cạnh Việt Nam, Thái Lan hiện có 60 triệu dân, ngành công nghiệp ô tô đóng góp 12% vào GDP, tạo 1 triệu việc làm.
Điều đáng nói ở đây là các giải pháp đưa ra phải hài hòa giữa nguồn lực trong nước và phù hợp với các quy định, thông lệ của các hiệp định cũng như quan hệ thương mại mà Việt Nam tham gia. Việc đưa sản xuất, kinh doanh ô tô vào ngành, nghề có điều kiện là nhằm đảm bảo sự tồn tại, phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, bảo vệ những đơn vị đã đầu tư và đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, lắp ráp ô tô… Có thể nói, ngành công nghiệp ô tô trong nước một lần nữa được trao cơ hội, có thể là cuối cùng, khi các hiệp định mở cửa ngành công nghiệp này đang đến gần.
Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi DN sản xuất trong nước vươn lên khỏi tình trạng trì trệ, dựa vào các quy định để hưởng lợi từ chính sách. Từ góc nhìn này, dự thảo quy định mới chỉ nên hiểu dưới góc độ phòng vệ chính đáng, nghĩa là những biện pháp đưa ra chỉ mang tính kỹ thuật, chỉ dành cho những DN sản xuất ô tô có thêm thời gian để đáp ứng với các chuẩn mực, tăng năng lực, giá trị sản xuất khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.