Trong các mẫu xe trên thị trường hiện nay, các hãng đang áp dụng 4 công nghệ đèn pha chính gồm đèn Halogen, đèn Bi-Xenon, đèn LED và hiện đại nhất là đèn Laser.
Một yếu tố quan trọng khi đề cập đến đèn là nhiệt độ màu của ánh sáng, gọi là độ K. Đèn halogen cho ra ánh sáng vàng có nhiệt độ khoảng 3.500K, trong khi đó đèn Bi-Xenon có nhiệt độ 4.300K, đèn LED và Laser cho ánh sáng trắng đạt mức 5.500 - 6.000K, gần với nhiệt độ của ánh sáng mặt trời 6.500K bạn sẽ có tầm quan sát tốt về đêm. Loại đèn pha nào cũng có ưu nhược điểm riêng, vì vậy người sử dụng ô tô cần nắm rõ nguyên lý hoạt động và đặc điểm riêng của từng loại để lựa chọn giải pháp phù hợp.
Đèn Halogen
Đây là loại đèn chiếm đa số trên thị trường vì tuổi thọ cao, giá thành rẻ, dễ sản xuất và chi phí thay thế chỉ ở mức 500 nghìn đồng/1 cặp đèn. Về cấu tạo, bóng đèn được lắp phía trước gương phản xạ hình Parabol (thường gọi là chóa gáo dừa), vai trò của chóa này là phân phối đều ánh sáng về phía trước xe khi bật đèn. Tương tự như bóng đèn sợi đốt, đèn Halogen sử dụng dây tóc Vonfram để tạo ra ánh sáng. Nhược điểm của loại đèn này là ánh sáng yếu, bóng dây tóc phải được đốt tới nhiệt độ 2.500 độ C nên tỏa lượng nhiệt thừa lớn, gây tổn thất năng lượng quang năng.
Đèn HID (Bi-Xenon)
Loại đèn này không sử dụng dây tóc để tạo ánh sáng như đèn Halogen mà thay vào đó nó sử dụng khí Xenon để phát sáng. Đặc điểm của đèn Xenon là ánh sáng phát ra rất mạnh và không định hướng được, nên sẽ gây chói mắt các xe trên đường nếu sử dụng gương phản xạ Parabol. Chính vì vậy các nhà sản xuất tạo ra một thấu kính để định hướng luồng ánh sáng mạnh này tránh gây lóa mắt xe khác. Khi nhìn từ ngoài vào, thấu kính này trông như một viên bi lớn.
Khi bật điện, đèn cần một lượng lớn năng lượng để phát sáng trong 5 giây đầu tiên, nhưng sau đó đèn chỉ cần lượng nhỏ năng lượng để duy trì ánh sáng. Đây là lý do bạn thấy ánh sáng chuyển dần từ màu xanh sang màu trắng khi nhìn vào đèn Bi-Xenon lúc vừa bật. Cấu tạo của đèn Bi-Xenon khá phức tạp, nó cần thêm một bộ “tăng phô” (Ballast) để kích dòng diện lên cường độ cao lúc khởi động, vì vậy nhà sản xuất khuyến cáo nên tắt đèn trước khi mở nắp ca pô phòng bị điện giật. Nhược điểm lớn nhất của đèn này là chi phí sản xuất cao nên thường chỉ dùng cho các dòng xe cao cấp
Ánh sáng từ đèn Bi-Xenon không làm chói mắt xe ngược chiều
Đèn LED
Đèn LED chỉ vừa được phát triển những năm gần đây, đặc điểm nổi bật của đèn là sử dụng những con chip rất nhỏ để phát sáng. Nhờ kích thước rất nhỏ này nên hệ thống đèn LED thường tập hợp từ 4 đến vài chục con chip bên trong. Điển hình là bộ đèn LED thông minh của Mercedes E-Class 2017 sử dụng đến 168 bóng LED để phát sáng. Một điểm nữa là LED có thể được lắp trên nhiều bề mặt khác nhau, nó có thể nằm đối xứng trên một trụ kim loại tròn hoặc lắp dàn đều trên một mặt phẳng, chính vì vậy đèn LED là ánh sáng định hướng, lắp được cho thấu kính tròn và cả cho chóa phản xạ Parabol. Điểm nổi bật nhất của LED là thời gian phát sáng cực nhanh, chỉ trong vài phần triệu giây tức bằng 1/5 thời gian chớp mắt của người.
LED sử dụng khá ít năng lượng để phát sáng nhưng nó lại có khả năng tỏa nhiệt rất lớn, nên nhược điểm của đèn LED là hệ thống làm mát phải thật tốt và hoạt động bền bỉ để không ảnh hướng đến hệ thống đèn. Giá thành của LED khá đắt, tại Việt Nam chỉ có vài mẫu xe nhập là được trang bị hệ thống đèn này như BMW 320i LCI hoặc Renault Talisman.
Đèn Laser
Đây là loại đèn hiện đại nhất hiện nay, ánh sáng rất mạnh có khả năng chiếu xa 600m so với khoảng cách 300m của đèn LED, nhưng chỉ dùng hơn 1/2 lượng điện tiêu thụ so với LED. Mặt dù được gọi là đèn Laser nhưng tia Laser lại không có khả năng chiếu sáng, thay vào đó tia này sẽ chiếu vào thấu kính chứa khí photpho, khí này khi bị ánh sáng laser kích thích sẽ phát ra luồng sáng nhiệt độ trên 6000K có màu trắng xanh.
So sánh giữa đèn LED bên trái và đèn Laser bên phải
Nhược điểm của đèn này là ánh sáng chỉ ra dạng chiếu gần (Cos) mà không thể chiếu xa, vì vậy hệ thống đèn Laser cần được hỗ trợ thêm bởi đèn Bi-Xenon hoặc đèn LED. Bất lợi lớn khiến đèn Laser không thể phổ biến là giá thành rất cao, điển hình trên mẫu BMW i8, bộ đèn có giá hơn 200 triệu đồng.
Giải pháp tăng sáng cho đèn pha
Nếu đang sử dụng đèn Bi-Xenon hoặc LED thì bạn có thể an tâm về độ sáng. Tuy nhiên nếu xe bạn được lắp đèn Halogen hoặc đèn sử dụng gương cầu nhưng bóng lại là Halogen như chiếc Kia Morning Si thì có thể tham khảo 3 giải pháp tăng sáng dưới đây.
Đối với đèn halogen nhưng được nhà sản xuất lắp sẵn gương cầu, bạn chỉ đơn giản là thay bóng halogen bằng bóng LED hoặc bóng Xenon với bộ Ballast là độ sáng sẽ được cải thiện rõ rệt. Giá thành thay thể chỉ khoảng 2 – 3 triệu đồng, mặt khác, nếu bạn muốn chọn loại bóng Xenon chất lượng cao, chi phí sẽ ở mức khoảng 7 triệu đồng.
Trong trường hợp xe sử dụng đèn halogen chóa Parabol, bạn có 2 phương án để lựa chọn gồm thay đèn Halogen bằng đèn LED, ưu điểm của giải pháp này là dễ dàng trả “zin” khi muốn, các bước tháo lắp cũng khá đơn giản tương tự như lúc bạn thay bóng đèn cho xe và hoàn toàn có thể tự làm tại nhà. Giá của bộ đèn LED hàng loại tốt sẽ khoảng 3 triệu đồng. Nhược điểm khi thay đèn LED vào chóa này là tạo ánh sáng hơi chói cho các xe Sedan ngược chiều.
Phương án 2 là bạn thay cả cụm đèn pha bằng bộ bóng Bi-Xenon, khi đó ánh sáng sẽ có đường cắt rõ ràng, lan tỏa đều, đẹp và không gây chói các xe ngược chiều. Tuy nhiên các công đoạn từ mổ đèn bằng máy hấp nhiệt, định hình chóa đèn, bơm keo chống nước, lắp giá đỡ cho bộ đèn đều được làm hoàn toàn thủ công. Đôi khi các công đoạn trên sẽ có phát sinh lỗi như bơm keo không khít làm hơi nước đọng lại trong đèn, lúc này bạn cần tháo bộ đèn ra và dùng máy hấp nhiệt để hút hơi nước khá phức tạp. Giá thành để “độ” bộ đèn Bi-Xenon cũng không rẻ, giao động từ 10 – 13 triệu đồng nên sẽ làm không ít khách hàng “chùn tay”.