Chỉ còn vài ngày nữa là bước sang năm 2017 – năm mà giá bán lẻ của nhiều loại ôtô tại thị trường Việt Nam bắt đầu giảm xuống theo lộ trình do thay đổi mức thuế nhập khẩu.
Ngày 1/9/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị định số 129/2016/NĐ-CP ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2016-2018.
Theo biểu thuế ban hành kèm theo Nghị định 129 của Chính phủ, mức thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước thành viên ATIGA sẽ giảm xuống còn 30% kể từ ngày 1/1/2017. Mức thuế suất hiện hành là 40%.
Với tỷ lệ giảm thuế khá cao, dựa trên cách tính giá tính các sắc thuế và phí sau thuế nhập khẩu, nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt, cùng các phương án kinh doanh của nhà nhập khẩu và phân phối, dự báo giá bán lẻ của nhiều loại ôtô từ ngày đầu năm mới sẽ giảm trên dưới 7% so với hiện nay.
Đây có thể xem là một tin vui đối với người tiêu dùng ôtô trong nước. Mặc dù biểu thuế mới chỉ giúp các loại ôtô nhập khẩu từ ASEAN, cụ thể là Thái Lan và Indonesia, được hưởng giảm giá song số lượng mẫu xe cũng rất đáng kể.
Hiện tại, hầu hết các hãng xe có mặt tại Việt Nam, trừ các thương hiệu hạng sang, đều có ít nhất một mẫu xe được nhập khẩu từ Thái Lan hoặc Indonesia.
Trong số danh mục xe được hưởng giảm giá từ thuế mới có không ít những mẫu xe được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam như Ford Everest, Mitsubishi Pajero Sport, Honda Accord, Mitsubishi Attrage và Mirage, Toyota Yaris hay Suzuki Ciaz…
Có điểm cần lưu ý là mặc dù mức thuế suất mới 30% sẽ giúp nhiều loại xe nhập khẩu từ ASEAN giảm giá khoảng 7% nhưng đây chỉ là mức giảm dựa trên những tính toán đơn thuần về thuế.
Trên thực tế, bản thân cách tính giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới cũng đã có thay đổi khi xuất hiện “chi phí khác” theo quy định, chẳng hạn như chi phí kho vận, marketing...
Do vậy, các chi phí cấu thành giá xe ở mỗi doanh nghiệp sẽ không hoàn toàn đồng nhất. Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu và phân phối cũng phải cân nhắc giá bán lẻ của từng mẫu xe để tránh tạo nên chênh lệch lớn giữa xe lắp ráp trong nước với xe nhập khẩu, giữa xe nhập khẩu từ ASEAN với xe nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ khác.
Chưa hết, giá một số loại ôtô nói trên tại Việt Nam chưa chắc đã giảm nếu các cơ quan chức năng siết xe nhập bằng cách dựng lên các hàng rào kỹ thuật. Để hỗ trợ doanh nghiệp ôtô trong nước, trước đây, Bộ Công Thương từng đề xuất là tạo ra các rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế sự cạnh tranh của xe nhập khẩu. Cụ thể như quy định tiểu chuẩn ngặt nghèo đối với các đại lý nhập khẩu về năng lực tài chính, kho bãi... hay phải có hệ thống bảo hành, bảo trì; thủ tục đăng kiểm khắt khe hơn; chỉ cho 2-4 cảng biển được phép nhập xe... Nếu kịch bản này diễn ra, người Việt lại thêm một lần nữa “mừng hụt” về chuyện giảm giá xe. Và chung quy lại, “cứ phải chờ mới biết được!”.